Huyện Phước Long: Đổi nghề cho hộ nghèo đổi đời

Thứ Hai, 11/09/2017 | 16:32

Hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Phước Long đang bắt tay vào một cuộc chiến mới: giải quyết việc làm, nâng cao cuộc sống cho dân nghèo. Từ Đề án 04 về chuyển đổi ngành nghề cho lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, quyết tâm của huyện hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 1% vào năm 2020 để Phước Long trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, bền vững.

Đan đát mang lại thu nhập thường xuyên cho hộ nghèo, cận nghèo. Trong ảnh: Phụ nữ huyện Phước Long làm nghề đan đát. Ảnh: P.T.C - T.Đ

Giúp mọi người đều có thu nhập

Đề án 04 của UBND huyện Phước Long về chuyển đổi ngành nghề cho lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo (giai đoạn 2017 - 2020) đã tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội. Cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đang dốc toàn lực hướng về người nghèo bằng tâm thế mới và biện pháp mới.

Dù đã hội đủ tiêu chí để được công nhận huyện nông thôn mới vào cuối năm 2017, nhưng Phước Long vẫn chưa thỏa mãn khi tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 11,19%, tương ứng 3.225 hộ; hộ cận nghèo cũng còn 10,72% với 3.090 hộ. Toàn huyện có 1.991 hộ nghèo, cận nghèo thiếu đất sản xuất và hơn 3.000 hộ không đất sản xuất. Hơn 23.000 lao động ở những hộ gia đình này vì thế thường xuyên nhàn rỗi hoặc năng suất lao động không cao. Tình trạng một người lao động nuôi nhiều miệng ăn trong mỗi hộ nghèo và cận nghèo còn khá phổ biến.

Trước thực trạng này, Đề án 04 đã ra đời từ sự trăn trở của lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện về công tác giảm nghèo trong giai đoạn mới. Đề án được xây dựng trên cơ sở khảo sát, thống kê thực tế nguồn lực lao động hiện có ở từng hộ nghèo, cận nghèo trong huyện. Tại hội nghị triển khai đề án, đại diện hộ nghèo, hộ cận nghèo và đại diện các ấp không chỉ được triển khai cụ thể, chi tiết mà còn được đóng góp trực tiếp vào đề án. Những ý kiến đó không chỉ thể hiện sự quan tâm, thống nhất từ các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đến chủ thể thụ hưởng mà còn là yếu tố quan trọng giúp cho đề án phát huy tối đa hiệu quả khi đi vào cuộc sống người nghèo.   

Mục tiêu đến năm 2020, trên 70% hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện Phước Long chuyển đổi xong ngành nghề cho người lao động, đảm bảo lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, huyện sẽ giải quyết việc làm cho trên 14.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Việc chuyển đổi ngành nghề sẽ được thực hiện trên cơ sở phân công lao động hợp lý, hiệu quả ở từng hộ nghèo, cận nghèo theo hướng giảm lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng dần tỷ lệ lao động cho lĩnh vực thương mại - dịch vụ và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Thực trạng một người làm nuôi mấy miệng ăn ở các hộ nghèo, cận nghèo không có đất sản xuất rồi đây sẽ được thay thế bằng biện pháp phân công lại lao động hợp lý. Thành viên trong tuổi lao động ở từng hộ gia đình sẽ được tạo công việc phù hợp để một nhà có thể cùng ăn, cùng làm và cùng tạo ra thu nhập, làm cho thu nhập ở từng hộ tăng lên.

Trong 3 năm triển khai đề án (2017 - 2020), huyện Phước Long phấn đấu hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 1%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 52,5 triệu đồng/năm, an ninh trật tự tiếp tục được giữ vững.

Nâng cao vai trò đầu tàu của cấp ủy

Ông Trần Văn Ân, Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị: “Các cấp, các ngành phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được ý nghĩa của việc chuyển đổi ngành nghề. Huyện sẽ chỉ đạo các ngành, các địa phương phải định hướng ngành nghề cho người nghèo, khi chuyển đổi thì ngành nghề mới đảm bảo mang lại hiệu quả cao hơn và ổn định lâu dài. Huyện sẽ lấy đó làm cơ sở để đào tạo nghề và giới thiệu việc làm...”.

Yếu tố quyết định sự thành công của đề án chính là nguồn vốn. Do đó, huyện sẽ chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội có kế hoạch cụ thể cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn. Và để sử dụng vốn vay ưu đãi phát huy hiệu quả cao, yêu cầu các ngành, địa phương phải bám sát hộ nghèo, cận nghèo để tư vấn, giúp đỡ họ như chính người thân của mình.   

Ông Đặng Tiến Út, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho rằng, có được một đề án đánh trúng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của dân nghèo đã là thành công bước đầu của huyện. Bằng quyết tâm chính trị cao nhất, Phước Long phải thực hiện thành công đề án này. Chủ trương sắp tới, ông Đặng Tiến Út đề nghị các ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; trưởng, phó ban ngành cấp huyện phải quyết liệt tuyên truyền, vận động nhân dân, làm sao cho việc chuyển đổi ngành nghề và phân công lao động phù hợp với thực tế. Ở từng xã, thị trấn, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể phải chịu trách nhiệm về hiệu quả từ việc chuyển đổi ngành nghề cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn mình quản lý. Để có cơ sở nhân rộng, các xã cần phải chọn ấp để chỉ đạo điểm.

Lãnh đạo Huyện ủy yêu cầu Phòng LĐ-TB&XH, Trung tâm Dạy nghề huyện cần lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp với tình hình thực tế để người lao động khi học xong nghề đảm bảo có việc làm ổn định và đáp ứng tốt với môi trường công việc. Các ngành phải có giải pháp nâng tỷ lệ lao động đào tạo nghề có việc làm ổn định đạt 70% trở lên. Trọng tâm trong công tác này là phải dạy nghề cho cả những người tàn tật. Khi những người tàn tật có đủ điều kiện để vươn lên sẽ góp phần không nhỏ cho công tác giảm nghèo của huyện.

Huyện Phước Long chọn ấp Phước 2 (xã Vĩnh Phú Tây) làm điểm chỉ đạo. Đề án cũng đã chọn ấp Mỹ I (xã Vĩnh Phú Đông), ấp Tường Thắng A (xã Vĩnh Thanh) và ấp Tường Tư (xã Hưng Phú) làm điểm chỉ đạo cấp cơ sở để sau đó nhân rộng trên toàn địa bàn huyện. Đảng bộ huyện Phước Long kỳ vọng đề án này sẽ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đưa Phước Long trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu, bền vững của tỉnh và khu vực.

Tấn Đạt

Mục tiêu cụ thể trong Đề án 04:

- Phấn đấu đến năm 2020 đào tạo nghề và giải quyết việc làm từ 14.640 lao động; tỷ lệ lao động đào tạo nghề có việc làm ổn định đạt 70% trở lên.

- Giữ lại 2.200 lao động làm việc tại chỗ (gia đình) đối với những hộ thiếu đất sản xuất, chiếm tỷ lệ khoảng 9,52% trong tổng số lao động.

- Chuyển đổi ngành nghề 1.046 lao động sang lĩnh vực thương mại - dịch vụ, chiếm tỷ lệ 5%.

- Chuyển đổi sang lĩnh vực xây dựng, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 5.019 lao động, chiếm tỷ lệ 24%.

- Chuyển sang lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh 8.575 lao động, chiếm 41%.

- Phấn đấu xuất khẩu 200 lao động (trung bình mỗi năm xuất khẩu 50 lao động).

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.