Khi nhà báo đi... điều tra

Thứ Tư, 20/06/2018 | 17:32

Đối với một nhà báo chuyên viết về mảng điều tra, theo chân các vụ án… thì mới hiểu được những khó khăn, vất vả khi đi tìm chứng cứ cho bài viết của mình. Nói thì dễ, nhưng khi bật máy ghi âm, ghi hình, nhiều nhân chứng thay đổi thái độ ngay. Những vụ việc càng phức tạp thì việc tiếp cận sự thật, các hồ sơ càng khó khăn.

Nhà báo đi viết bài điều tra. Ảnh: K.P

Phải có kiến thức pháp luật

Nhà báo - dù ở mảng nào, trước hết vẫn phải khẳng định một điều, đó là những am hiểu nhất định về pháp luật. Bởi, có hiểu những quy định của pháp luật, người làm báo mới có thể tác nghiệp an toàn và định hướng thông tin tốt. Thiếu kiến thức pháp luật, người làm báo dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, những thông tin dễ bị liên đới, thậm chí có khi dính líu đến các vấn đề về pháp lý.

Mới đây, làng báo chí tỉnh vừa chứng kiến một vụ kiện của bạn đọc với một tờ báo bởi một bài viết. Người kiện cho rằng, bài viết đó đã ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của họ. Việc khởi kiện ra tòa một bài viết, một cơ quan báo chí đã không còn hiếm gặp. Trong một môi trường báo chí hiện đại ngày nay, những người làm báo bên cạnh việc đối mặt với những khó khăn, thách thức từ nghề nghiệp của mình, còn dễ bị đối mặt với những tranh chấp, kiện thưa dính líu đến pháp luật. Do đó, sẽ không là quá muộn nếu mỗi nhà báo trang bị cho mình những kiến thức pháp luật cần thiết.

Phải dấn thân

Người ta vẫn hay hình dung, nhà báo viết mảng điều tra chắc phải ghê gớm lắm, chớ ai hình dung ra, đôi khi những nhà báo trông gầy gò ốm yếu, thậm chí là phận “liễu yếu đào tơ” vẫn có thể đảm đương công việc này. Viết điều tra khác với những mảng khác, nó không cần một nhà báo đẹp, oai phong kiểu “râu hùm, hàm én”. Nhà báo giỏi điều tra cần nhất là sự dấn thân cho nghề, cần nhập vai vào công việc, cần sự kiên nhẫn, gan lì và cả những hy sinh.

Đi điều tra những gút mắc trong một dự án đất, phải hóa thân thành “cò” đất; điều tra những mâu thuẫn tranh chấp dẫn đến khiếu kiện kéo dài, phải giả vờ trở thành người đi buôn; viết bài về công chứng, phải trở thành những người dân cần sự hỗ trợ tư pháp… Dù ở vai trò nào, nhà báo cũng phải lăn lộn với nhân vật của mình, và phải có bản lĩnh đương đầu với hiểm nguy.

Bản lĩnh với nghề

Hiện nay, việc bảo vệ nhà báo đi tác nghiệp vẫn đang bị “bỏ ngỏ”, pháp luật chưa có quy định rõ ràng nhà báo tác nghiệp là đi làm nhiệm vụ. Trong khi đó, chuyện các phóng viên, nhà báo đi viết điều tra phải đối mặt với vô vàn nguy hiểm vẫn diễn ra khắp nơi. Chỉ cần đưa máy chụp hình, đôi khi cũng đã bị đánh bầm dập, bị giật máy, đập máy, bị đe dọa.

Trong một lần nói chuyện nghề với các bạn làm báo trẻ, có bạn đã than thở rằng, từ khi viết bài điều tra về bán sữa đa cấp, ngày nào cũng có người nhắn tin đe dọa đòi... xử bạn ấy. Hay như khi viết về những hoạt động thiếu minh bạch của một tổ chức, ngày nào bản thân tôi cũng bị quấy rối bằng những cuộc điện thoại với sim số lạ.

Những việc như thế không làm cho nhà báo sợ hãi, mà nó càng hun đúc cho họ thêm bản lĩnh với nghề. Vấn đề là làm sao để họ xứng đáng với những gì mà bạn đọc tin yêu trao gửi.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.