Khổ vì… nước ngập và triều cường dâng

Thứ Sáu, 20/07/2018 | 16:41

Từ nhiều năm qua, mỗi khi bước vào mùa mưa là cuộc sống của một bộ phận người dân TP. Bạc Liêu và một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh lại bị đảo lộn bởi tình trạng ngập nước kéo dài.

Tuyến đường đi qua chợ Hộ Phòng (phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai) ngập sâu

trong nước do mưa lớn và triều cường dâng.

Đường Hoàng Văn Thụ (phường 3, TP. Bạc Liêu) luôn trong tình trạng

ngập nước mỗi khi có mưa to. Ảnh: C.L

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thủy triều ở các cửa sông ngày càng dâng cao, cộng thêm tốc độ đô thị hóa nhanh, địa hình TP. Bạc Liêu lại tương đối thấp, nên tình trạng nước ngập cục bộ thường xuyên diễn ra, nhất là sau mỗi trận mưa lớn. Theo phản ánh của những hộ dân sống trên những tuyến thường xuyên phải chịu cảnh nước ngập như: Võ Thị Sáu, Lê Văn Duyệt, Bà Triệu..., nước ngập là do mặt bằng chung các tuyến đường này thấp, nên mỗi khi có mưa lớn hoặc triều cường là nước dồn về đây, ứ đọng lại và rút rất chậm. Bên cạnh đó, do hệ thống tiêu thoát nước chưa đồng bộ, nhiều đoạn cống bị tắc nghẽn do rác thải sinh hoạt của người dân vứt bừa bãi càng làm cho tình trạng ngập úng trên các tuyến đường này ngày thêm trầm trọng.

Bà Võ Hoàng Yến (ngụ phường 3, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Đường này (đường Bà Triệu) mỗi khi trời mưa là thấy ngập nước khiến cho việc đi lại, kinh doanh của gia đình tôi và nhiều bà con gặp khó khăn”.

Cũng theo phản ánh của người dân, nước ứ đọng có màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối, và đây cũng là môi trường thuận lợi cho ruồi muỗi sinh sôi truyền bệnh. Mặt khác, do ngập nước nhiều ngày nên kết cấu bê-tông mặt đường dễ xuống cấp, hư hỏng và bám đầy bùn đất, rong rêu gây khó khăn trong việc đi lại và đã có không ít trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông tự té ngã. Ông Dương Quang Thế (ngụ khóm 1, phường 7, TP. Bạc Liêu) bày tỏ: “Do lộ hẻm bị ngập nước nên mặt đường phủ đầy rong rêu rất trơn trượt. Ở những điểm có “ổ gà”, “ổ voi”, tôi và bà con phải đặt thanh gỗ hoặc can nhựa làm biển cảnh báo để bà con chú ý tránh né, phòng ngừa tai nạn có thể xảy ra”.

Theo Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh, đơn vị đang quản lý nạo vét 89 tuyến đường mương cống các loại với tổng chiều dài 58,90km và quản lý vận hành 2.725 hố ga các loại. Nội ô thành phố có 3 kênh hở, 16 cửa cống ra sông về phía Bắc và 6 cửa cống ra sông về phía Nam. Dù có nhiều nỗ lực, thế nhưng công tác chống nước ngập vẫn còn nhiều khó khăn. Địa bàn nội ô thành phố chỉ có 1 chiếc xe hút bùn 3m3 và 2 chiếc xe tải loại 2,5 tấn, không đủ đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, hệ thống các cống xây dựng thiếu đồng bộ, chưa đúng quy hoạch nên khi nước ngập, các cống không thể phát huy được vai trò thoát nước. Ngoài ra, việc thiếu ý thức trong xả rác thải của một bộ phận người dân cũng làm hạn chế đến tiêu thoát nước trên các tuyến đường.

Không riêng gì địa bàn TP. Bạc Liêu, người dân nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng kêu khổ vì tình trạng ngập nước. Điển hình như phường Hộ Phòng (TX. Giá Rai) từ lâu cũng là “điểm trũng” thường xuyên phải chịu cảnh ngập lụt cục bộ do triều cường dâng cao. Để “thích ứng” với tình trạng ngập nước thường xuyên diễn ra, bà con nơi đây chỉ còn cách di dời đồ đạc, tài sản có giá trị lên vị trí cao hơn để tránh hư hại. Đồng thời, xây dựng các “đập ngăn” trước nhà để hạn chế nước tràn vào ảnh hưởng đến sinh hoạt. Anh Nguyễn Thành Đô, người thường xuyên “sống chung với lũ” cho biết: “Nhà tôi nằm sát mặt lộ, mấy năm nay hễ thủy triều dâng là trong nhà mênh mông như cái ao. Có hôm, ngủ một đêm đến sáng, khi mở mắt nhìn quanh là bật dậy hô hoán cho mọi người cùng thức để gom đồ đạc trôi lềnh bềnh trong nhà lại. Thật không có nỗi khổ nào bằng”.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mùa mưa năm nay có khả năng kéo dài và sẽ gây ra tình trạng ngập úng cục bộ ở nhiều địa phương. Ông Lai Thanh Ẩn - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: “Để hạn chế thiệt hại do triều cường dâng cao và mưa gây ngập lụt cục bộ, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở bà con chủ động phòng, tránh khi có mưa lớn và triều cường trên địa bàn. Đồng thời, rà soát, gia cố lại những điểm xung yếu để đảm bảo an toàn cho bà con, giúp họ yên tâm sản xuất và sinh hoạt”. 

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.