Lễ Sen Đôn-ta của đồng bào dân tộc Khmer:​ Tôn vinh hiếu đạo

Thứ Tư, 16/09/2020 | 17:22

Cũng gần giống lễ Vu lan của người Kinh, lễ Sen Đôn-ta của đồng bào Khmer Nam Bộ được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ đến công đức của tổ tiên, ông bà, công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Ở Bạc Liêu, từ việc gìn giữ những phong tục, nghi lễ truyền thống, Sen Đôn-ta không chỉ tôn vinh hiếu đạo mà đồng thời còn là dịp để đồng bào Khmer gặp gỡ, tâm tình, thắt chặt thêm mối thâm giao của tình làng nghĩa xóm.

Trao truyền cho con cháu

Chúng tôi đến chùa Cù Lao (ấp Sóc Đồn, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) lúc các bà, các cô đang chuẩn bị mâm cơm cúng vào cử trưa. Đã gần hai tuần họ đến đây thực hiện các nghi thức truyền thống trong mùa Sen Đôn-ta. Các bà, các cô cùng dậy thật sớm nấu nướng, bày mâm cúng ngày hai cữ, chiều tối thì vắt cơm, nấu chè cúng Phật. Mỗi người được nghỉ ngơi trên một cái giường kê sát nhau ở những gian phụ của ngôi chùa. Những người hàng xóm ngày thường có khi việc nhà ai nấy làm, ít qua lại chuyện trò nhưng đã đến đây thì thân thiết như những người thân trong gia đình. Đây cũng là phong tục giúp thắt chặt tình láng giềng với nhau qua mỗi mùa Sen Đôn-ta.

Bắt nguồn từ khá nhiều tích kể khác nhau nhưng tựu trung lại, đồng bào Khmer Nam Bộ  tổ chức phong tục đón lễ Sen Đôn-ta hàng năm với ý nghĩa tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân đã khuất. Họ chuẩn bị các mâm cơm, tập trung cúng trên chánh điện các ngôi chùa, nhờ các vị sư sãi tụng kinh cầu siêu cho ông bà quá cố, cầu an cho ông bà, cha mẹ còn sống. Sau các nghi thức cúng và dâng cơm cho sư sãi xong, mọi người lại tề tựu ăn uống, trao đổi những câu chuyện trong cuộc sống hàng ngày. Bà Thạch Thị Giáp (ấp Sóc Đồn, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) kể cho chúng tôi nghe về cách gia đình mình đón Sen Đôn-ta hàng năm: “Theo đúng nghi thức, bà con đến chùa trước Sen Đôn-ta nửa tháng. Trong nửa tháng đó, hàng ngày mọi người phải dậy sớm để chuẩn bị cơm cúng, nghe kinh kệ, dâng cơm cho sư sãi, tối thì vắt cơm, nấu chè cúng Phật… Tới 29/8 (âm lịch) thì về nhà để thực hiện nghi thức 3 ngày chánh lễ. Tất cả nghi lễ cũng nhằm giáo dục con cháu phải nhớ ơn tổ tiên, ông bà của mình”. Với ý nghĩa đó, bà Giáp không đến chùa một mình mà dắt theo cháu Thạch Ngọc Minh Khuê. Khuê đang học lớp 6 ở Trường THCS Lê Thị Cẩm Lệ (TP. Bạc Liêu), ngày nào đi học một buổi thì buổi còn lại  được bà nội dẫn đến chùa cùng tham gia để hiểu biết hơn phong tục của đồng bào mình. Trong những lễ hội như Sen Đôn-ta, đồng bào dân tộc Khmer luôn tâm niệm rằng phải gìn giữ và trao truyền những nét đẹp thuộc về văn hóa bản địa, nghi thức đẹp đẽ trong văn hóa tín ngưỡng của dân tộc mình cho con cháu noi theo.

Đồng bào Khmer dâng lễ vật vào chùa Hòa Bình mới (huyện Hòa Bình) trong lễ Sen Đôn-ta. Ảnh: H.T

Những nghi thức hướng đến tổ tiên

Theo đúng truyền thống, sau hai tuần ở chùa, đồng bào Khmer sẽ trở về nhà để tiếp tục thực hiện nghi thức của 3 ngày chánh lễ. Trong ngày thứ nhất (ngày cúng tiếp đón), các gia đình chuẩn bị nhà cửa tươm tất, lau chùi bàn thờ tổ tiên, sau đó dọn mâm cơm với bánh trái, rượu trà…; các thành viên trong gia đình cùng đốt nhang, khấn vái linh hồn ông bà về ăn uống cùng con cháu. Chiều đó cũng tiếp tục dọn mâm cơm mới cúng ông bà, rồi mời linh hồn ông bà cùng đến chùa nghe sư sãi tụng kinh cầu siêu và thuyết pháp cho đến tối. Ngày thứ hai (ngày cúng chính) thì vào buổi trưa, mọi người chuẩn bị mâm cơm mang vào chùa để tổ chức cúng. Sau khi được các vị sư tụng kinh cầu siêu cho linh hồn của những ông bà đã khuất, mọi người cùng ăn uống, trao đổi kinh nghiệm trong việc đồng áng và vui chơi tại chùa. Buổi chiều, họ lại rước linh hồn ông bà về nhà, làm mâm cơm mới cúng ông bà và mời ông bà ở lại chứng kiến cuộc sống sung túc của con cháu. Ngày thứ ba (ngày cúng tiễn) thì đồng bào Khmer chuẩn bị một mâm cơm, rồi mời vài vị sư sãi cùng họ hàng thân tộc trong phum sóc đến nhà tụng kinh cầu siêu để tiễn đưa linh hồn người quá cố. Bà con làm chiếc thuyền bằng bẹ chuối, có gắn cờ phướn, hai hình nộm (tượng trưng cho tổ tiên, ông bà) và các thức cúng mỗi thứ một ít, có cả các gói gạo, muối, quần áo, tiền, vàng mã… rồi người nhà thắp nhang, đèn mang thuyền thả dưới dòng sông, kênh rạch gần nhà để đưa ông bà và những người thân quá cố về lại thế giới bên kia.

Lễ Sen Đôn-ta là một trong những nghi lễ đẹp của đồng bào dân tộc Khmer mang ý nghĩa tôn vinh hiếu đạo, điều luôn đáng được tôn vinh ở bất kỳ thời đại nào, hay ở bất cứ dân tộc nào. Ngoài ra, Sen Đôn-ta còn thể hiện nét đẹp truyền thống của đời sống văn hóa, tinh thần đoàn kết của bà con, những nghi thức mang đậm bản sắc dân tộc trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở các ngôi chùa Khmer Nam Bộ nói chung, chùa Khmer ở Bạc Liêu nói riêng.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.