Mừng - lo với chuyện tăng lương

Thứ Hai, 09/07/2018 | 16:23

Theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức từ 1,3 triệu đồng/tháng sẽ tăng lên 1,39 triệu đồng/tháng. Mức tăng này tuy không cao nhưng cơ bản giúp công chức, viên chức vơi bớt một phần gánh nặng trong cuộc sống. Thế nhưng, trong cái mừng ấy cũng có không ít lo toan khi các loại phí, giá cả đã tăng theo kiểu đón đầu.

Đoàn kiểm tra liên ngành 389 kiểm tra giá cả hàng hóa.

Cuộc sống công chức, viên chức cấp xã còn nhiều khó khăn do đồng lương không theo kịp giá.

Ảnh minh họa: T.Q

Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức sống phụ thuộc vào nguồn lương. Song, con người sống không chỉ có ăn uống mà còn có nhu cầu đi lại, vui chơi giải trí để tái tạo sức lao động. Sự lo lắng của nhiều người khi chính sách lương mới được áp dụng là có cơ sở, bởi khi lương tăng thì các chính sách thuế, phí, bảo hiểm cũng sẽ được điều chỉnh tăng theo. Mức lương tăng thêm ít ỏi như thế không giúp công chức, viên chức cải thiện nhiều, không đủ để bù trượt giá khi chi phí hằng tăng lên.

Chị H.D (ngụ phường 5, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Theo mức lương mới, mỗi tháng tôi có thêm gần 300.000 đồng. Tuy nhiên, khi lương chưa kịp tăng thì nhiều mặt hàng đã tăng giá. Ngay cả trường mẫu giáo tư thục (nơi con tôi theo học) cũng tăng học phí thêm 200.000 đồng/tháng từ đầu tháng 6. Đó là chưa kể một số quán ăn, quán cà phê cũng tăng giá”.

Có thể thấy, tiền lương công chức còn thua xa mặt bằng tiền công, tiền lương trên thị trường, trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Công chức, viên chức còn thường xuyên đóng góp các loại quỹ an sinh xã hội, đỡ đầu hộ nghèo, ủng hộ thiên tai… và còn phải chi cho các mối quan hệ xã hội như đám tiệc, bạn bè…

Tốt nghiệp trung cấp, làm việc tại UBND xã (thuộc huyện Đông Hải) hơn 5 năm, thế nhưng mức lương của chị K.Đ chỉ hơn 2 triệu đồng. Chị K.Đ chia sẻ: “Em là cán bộ xã nên lương tăng ít lắm, trong khi các khoản chi lại tăng nhiều. Với mức tăng ít nhất 90.000 đồng/tháng coi như em có thêm tiền đi chợ cho 1 - 2 ngày. Tăng lương có thấm tháp vào đâu khi các chi phí khác đều đã tăng trước đó”.

Nguồn thu nhập quyết định đến chất lượng công việc, khi đồng lương không đủ trang trải cuộc sống với nỗi lo cơm áo gạo tiền thì người công chức khó tập trung, toàn tâm toàn ý cho công việc. Họ sẽ tranh thủ mọi điều kiện để kiếm thêm thu nhập như bán hàng online, dạy phụ đạo, mở quán giải khát… để cuộc sống đỡ chật vật.

Điều chỉnh lương là một trong những nỗ lực rất lớn của Chính phủ nhằm cải thiện đời sống công chức, người lao động, giúp họ vơi bớt một phần khó khăn trong cuộc sống. Song, tăng lương mà giá cả cũng tăng theo thì đời sống của người hưởng lương cũng không được cải thiện. Trong thời buổi kinh tế thị trường, phần lớn hàng hóa bình ổn, ít biến động về giá; giá các loại thực phẩm, hàng hóa thiết yếu vẫn ổn định, không tăng so với cùng kỳ năm trước, ngoại trừ thịt heo đang tăng. Thế nhưng, tình trạng các tiểu thương, cửa hàng, quán ăn tự tiện tăng giá đã gây tâm lý bất ổn, lo lắng cho công chức, viên chức và người lao động nghèo.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các trường hợp không niêm yết giá, cố tình nâng giá nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng “té nước theo mưa” như đã xảy ra nhiều lần trước đây. Chỉ khi nào ngăn chặn được tình trạng giá tăng theo lương thì việc tăng lương mới có ý nghĩa thiết thực.

Minh Luân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.