Mưu sinh trên bãi rác

Thứ Tư, 09/05/2018 | 16:10

Bãi rác Tân Tạo (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) là địa điểm tập kết và xử lý hơn 100 tấn rác thải đô thị mỗi ngày. Những đống rác chất cao như núi, ngập ngụa, hôi thối, ruồi nhặng bu quanh khiến người khác không muốn đến gần. Song, đó lại là nơi mưu sinh, gắn bó của hơn 10 con người nghèo khó.

 Những mảnh đời nghèo khó mưu sinh trên bãi rác.

 Chị Nguyễn Thị Bé sắp xếp lại đống phế liệu chờ bán. Ảnh: T.Q

Lúc 13 giờ, nắng nóng đỉnh điểm, khi những chiếc xe chuyên dụng thu gom rác tiến dần về phía bãi rác thì những người sống nhờ bãi rác liền chạy nhanh đến xe, mỗi người một góc, lầm lũi cào cào, bới bới, nhặt thật nhanh những thứ có thể bán được. Sau vài phút cật lực với đống rác mới, họ kéo những bao tải đựng những gì đã thu nhặt được về một khu vực để phân loại phế liệu bán. Trung bình mỗi người thu về khoảng 1,5 triệu đồng/ tháng.

Hầu hết những người mưu sinh trong bãi rác đều không phải dân địa phương. Họ không có nhà cửa mà phải sống ở nhà trọ hoặc mượn đất người dân che tạm căn chòi để ở. Họ có mặt tại bãi rác từ 5 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Để tiết kiệm chi phí, họ đem cơm theo và dựng tạm cái lều trên đống rác để nghỉ ngơi, ăn uống. Họ sống đoàn kết, sẻ chia như người một nhà, hỗ trợ nhau vượt qua mọi khó khăn và cùng làm trong bãi rác.

Nghề nhặt rác rất vất vả, lại ở nơi hôi thối, nhưng với họ thì xem đây là công việc ổn định, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, không phải giành giật, bon chen. Sau khi làm tại bãi rác này được vài năm, vợ chồng anh Đoàn Văn Lắm (41 tuổi, quê Sóc Trăng) bỏ việc lên TP. Hồ Chí Minh làm thuê, nhưng mới làm hơn 1 năm vợ chồng anh lại trở về làm công việc cũ và tiếp tục gắn bó hơn 4 năm qua. Anh Lắm chia sẻ: “Những người sống bám bãi rác đều nghèo như nhau. Do không có nghề nghiệp, vốn liếng nên chỉ biết vào đây tìm nguồn sống”.

Khi sống dựa vào nghề đào bới, nhặt phế liệu, những con người này phải chấp nhận đối diện với nhiều hệ lụy, rủi ro. Bởi, trong bãi rác ấy đâu chỉ có rác, mà còn có cả mảnh chai, xác động vật, kim tiêm, thuốc hóa học… Ngoài chuyện gặp hiểm nguy khi tiếp xúc với những vật dễ gây tổn thương da, việc thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn, mùi hôi thối cũng dễ gây ra nhiều loại bệnh như viêm xoang, xương khớp, bao tử… Mỗi khi bệnh, họ chỉ mua tạm vài ba liều thuốc uống cầm cự, chỉ khi trở nặng thì mới đi khám bệnh.

Chỉ vào đôi chân vừa mới tháo băng, chị Nguyễn Thị Bé (25 tuổi, ngụ xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) cho biết: “Tuần qua, trong lúc nhặt rác em đạp cây đinh ngập sâu trong bàn chân, đau nhức chịu không nổi. Vì sợ nhiễm trùng nên em đi chích ngừa. Vết thương vừa lành là em lại vào bãi rác làm vì nghỉ lâu thì cuộc sống sẽ gặp khó khăn”.

Chứng kiến công việc những người bới rác mới cảm nhận được sự vất vả, hiểm nguy của họ. Nắng nóng thì bãi rác bốc  mùi hôi hám nồng nặc, ruồi nhặng vô số kể, còn mưa xuống thì nước ngập ngụa trộn với rác thải dơ bẩn không thể tả. Song, họ vẫn cần mẫn nhặt rác, bới rác vì miếng cơm kiếm được đều trông chờ vào rác.

Tuy vậy nhưng họ vẫn lạc quan, yêu đời và nỗ lực lao động, những người nhặt rác đã giúp gia đình họ có cơm ăn áo mặc, lo cho con cái học hành. Và họ luôn hy vọng cuộc đời con họ sẽ có tương lai tươi sáng hơn.

T.Q

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.