Mưu sinh với nghề mài dao, kéo thủ công

Thứ Hai, 02/07/2018 | 16:27

Để có được một cây dao, cây kéo sắc bén phải cần đến bàn tay thợ. Nhờ vậy mà người mài dao, kéo thủ công mướn vẫn còn đất mưu sinh…

Người thợ mài dao, kéo cần mẫn với công việc của mình. Ảnh: T.L

Ngày ngày, anh Minh Thông (35 tuổi) với chiếc xe máy cà tàng và chiếc loa gắn trên xe chạy khắp các ngõ ngách TP. Bạc Liêu mưu sinh bằng nghề mài dao, kéo. Anh Thông chia sẻ: “Những con dao mua ở siêu thị, cửa hàng được làm  công nghiệp nên rất cứng, phải mài bằng máy, còn dao mua ở các lò rèn thì chỉ cần mài bằng đá mài. Song, thu nhập từ nghề này không ổn định”.

Ngoài công việc chính là mài dao, anh Thông còn bán thêm các loại dao, rựa, búa, cán dao để kiếm thêm thu nhập. Nhờ tính cần cù, tỉ mỉ trong công việc nên anh được nhiều người tin tưởng, mỗi khi nhà họ có đám tiệc đều kêu anh đến mài dao, kéo.

Khác với anh Thông, anh Văn Đức (43 tuổi) thuê một góc nhỏ trước nhà dân ở đường Hoàng Văn Thụ (phường 3, TP. Bạc Liêu) để làm nghề mài dũa dao, kềm, kéo. Anh Đức bày tỏ: “Nghề mài kềm, dao, kéo bằng thủ công nhìn đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. Công việc chủ yếu là bằng tay, đòi hỏi phải mài dũa tỉ mỉ, kỹ lưỡng”.

Bản tính cẩn thận, anh cần mẫn mài dũa từng cái kéo, cây dao để đảm bảo độ sắc bén, nhờ đó anh tạo được sự tin tưởng nơi khách hàng, nhiều “mối” cũng gắn bó với anh hàng chục năm nay.

Với những người thợ mài dao, kéo, dù không kiếm được nhiều tiền, nhưng lại là cái nghề mưu sinh lương thiện. Họ vẫn “sống được” do còn không ít người thích sử dụng dao kéo, kềm mài thủ công. Nhờ đó, họ có điều kiện chăm lo cho bản thân, không phải trông cậy vào người khác.

Thùy Lâm 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.