Những dòng kênh… “chết”

Thứ Tư, 11/07/2018 | 16:14

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã sên vét, duy tu sửa chữa nhiều tuyến kênh, rạch để đưa nước vào nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ đó, hình thành mạng lưới thủy lợi khá hoàn thiện, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống người dân ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tuyến kênh, rạch do ô nhiễm môi trường và bị bồi lắng trở thành những dòng kênh “chết”.

Kênh Cái Hưu (đoạn qua chợ Vĩnh Mỹ, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) ngập đầy rác thải.

Tuyến kênh Cống Xìa - Điền Hải chỉ là vũng nước cạn đầy rác.

Người dân cất nhà trên tuyến kênh Cống Xìa - Điền Hải làm tắc nghẽn dòng chảy của nước. Ảnh: C.L

Kênh “chết” vì… rác

Sau nhiều lần nạo vét, thu dọn rác thải, dòng kênh Cái Hưu (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình, đoạn qua chợ Vĩnh Mỹ) hiện nay vẫn tiếp tục ô nhiễm nghiêm trọng. Nước kênh nhuốm màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc, nhất là khi mưa xuống, nước kênh dâng lên cao, mùi hôi bốc lên càng dữ dội.

Ông Nguyễn Văn B. (ấp Xóm Lớn B, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) bức xúc nói: “Thùng rác đặt ngay trước nhà, vậy mà nhiều hộ không đem rác bỏ vào, cứ tùy tiện ném rác xuống kênh sau nhà. Hậu quả là rác thải ứ đọng thành đống, rồi ruồi, muỗi sinh sôi, mùi hôi thối bốc lên không chịu được”.

Tương tự, tuyến kênh Cống Xìa - Điền Hải là nơi lấy và tiêu thoát nước phục vụ nuôi tôm của hàng trăm hộ dân trong vùng chuyển đổi thuộc hai xã Điền Hải và Long Điền Đông (huyện Đông Hải). Tuy nhiên, tuyến kênh này bị một số hộ dân cơi nới, xây dựng lấn chiếm, khiến dòng kênh trước đây khá rộng (chiều ngang từ 6 - 8m) nay nhiều đoạn “teo tóp” lại, chỉ còn khoảng một bước chân, thậm chí có nơi bị lấp làm lối đi khiến nước không thể thoát, gây ngập úng cục bộ vào mùa mưa và khô hạn vào mùa nắng.

Bức xúc vì không có nước dẫn vào vuông để sản xuất, nhiều hộ làm đơn kiến nghị đến UBND huyện sên vét tuyến kênh. Ngày 28/3/2018, UBND huyện Đông Hải có công văn gửi Phòng NN&PTNT, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, UBND xã Long Điền Đông về việc kiểm tra, khảo sát, có ý kiến đề xuất giải quyết yêu cầu của người dân. Song, qua hai cuộc họp dân vẫn chưa thống nhất được phương án “giải cứu” kênh Cống Xìa - Điền Hải.

Vào mùa khô, để dẫn nước vào vuông tôm, bà con ở đây phải thuê máy công suất lớn bơm nước từ sông cái vào với chi phí 2 triệu đồng/ao/vụ, rất tốn kém. Ông Hồ Văn Bá (ấp Bửu 2, xã Long Điền Đông) than thở: “Nhà tôi có gần 5ha nuôi trồng thủy sản, mỗi khi tới vụ nuôi chính, tiền thuê máy bơm đưa nước vào vuông gần 20 triệu đồng/vụ. Nếu chính quyền địa phương vẫn không có phương án xử lý tình trạng lấn chiếm, bồi lắng kênh Cống Xìa - Điền Hải, nông dân chúng tôi sẽ còn phải "mua nước" dài dài”.

Khó khăn của chính quyền

Theo UBND xã Long Điền Đông, để khơi thông dòng chảy như ban đầu cho tuyến kênh Cống Xìa - Điền Hải, chi phí sên vét không lớn. Thế nhưng, nếu thực hiện theo yêu cầu bồi thường những căn nhà cất nằm sát mé kênh của người dân sẽ khiến cho chi phí “đội” lên rất cao, nằm ngoài khả năng của xã.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Long Điền Đông, cho biết: “UBND xã đã nhiều lần họp dân ở cặp theo tuyến kênh này để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, khôi phục lại dòng chảy cho kênh Cống Xìa - Điền Hải, nhưng lần nào cũng vướng ở khâu giải phóng mặt bằng. Bà con cho rằng, trước đây họ tự nguyện cho đất để Nhà nước múc kênh, bây giờ bà con lấy đất lại để cất nhà, đắp đập, làm cầu nên chính quyền chưa thể xử lý được”.

Còn đối với tuyến kênh Cái Hưu (đoạn đi qua chợ xã Vĩnh Mỹ), UBND xã Vĩnh Mỹ A đang xin ý kiến UBND huyện lấp hẳn đoạn kênh này làm cống thoát nước. Có như vậy mới chấm dứt tình trạng xả rác thải như hiện nay. Ông Phạm Văn Các, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Mỹ A, cho biết: “Đoạn kênh này lâu nay luôn là điểm nóng về tình trạng vứt rác bừa bãi. UBND xã đã nhiều lần họp dân để tuyên truyền, vận động mọi người  giữ vệ sinh chung, bỏ rác đúng nơi quy định… nhưng chỉ được vài hôm rồi đâu lại vào đó. Tình trạng này cứ tái diễn khiến cho xã rất khó hoàn thành tiêu chí về môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới”.

Tình trạng vứt rác bừa bãi, xả thải trực tiếp ra kênh, rạch biến những con sông thành một bãi tập kết rác bất đắc dĩ. Cái “chết” của những con kênh, dòng sông không chỉ liên quan trực tiếp đến sự phát triển bền vững, mà còn đánh mất nét đẹp văn hóa của các vùng nông thôn.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.