Những người thổi hồn cho gỗ

Thứ Hai, 11/12/2017 | 15:04

Những năm gần đây, nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm điêu khắc bằng thân cây, gốc cây ngày càng tăng. Kéo theo đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở điêu khắc, chế tác gỗ. Song, các sản phẩm điêu khắc này không chỉ “kén” người mà còn đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của những nghệ nhân.

Ông Đỗ Thành Lũy chế tác một bàn trà cho khách hàng từ gốc cây xà cừ. Ảnh: C.L

Từ những gốc cây, thân cây khô cứng, xù xì tưởng chừng như bỏ đi hay chỉ dùng làm củi đốt, nhưng qua đôi bàn tay khéo léo và con mắt thẩm mỹ của những người thợ điêu khắc đã trở thành tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, tinh tế. Để tạo được một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, bắt mắt, ngoài sự khéo léo của đôi bàn tay, người thợ còn phải có vốn kiến thức từ thực tế để có thể cảm nhận và thổi hồn vào mỗi tác phẩm.

Theo những nghệ nhân trong nghề, cái khó của việc chế tác gốc cây, thân cây là không có bản vẽ mẫu sẵn. Do vậy, người thợ phải biết sáng tạo những sản phẩm dựa theo hình dạng, màu sắc, khối u, lỗ thủng trên từng khối gỗ, từ đó tạo ra những chi tiết sống động như thật. Hình ảnh trên các sản phẩm điêu khắc thường là những hình ảnh thân thuộc trong tâm thức dân gian người Việt, như tượng Phật, tượng Bát tiên, tượng Phúc - Lộc - Thọ, tượng các linh thú… nên đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, sự sáng tạo.

Ông Đỗ Thành Lũy, nghệ nhân điêu khắc (xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình) nói: “Muốn có được một tác phẩm điêu khắc đẹp, người thợ phải có tư duy sáng tạo, chỉ cần nhìn qua bộ rễ cây hay khúc gỗ nguyên liệu là mình phải hình dung ra hình dáng của sản phẩm. Sau vài nét vẽ thô ngay trên gỗ là người thợ có thể đục đẽo, điêu khắc. Sản phẩm làm ra là độc nhất, không cái nào giống cái nào vì các gốc, thân cây dùng để chế tác có độ cao, thấp, dày, mỏng khác nhau. Cho nên các sản phẩm này tuy có giá bán khá cao nhưng vẫn được nhiều người mua”.

Xưởng chế tác gỗ của ông Lũy hiện có khá nhiều khối gỗ là những rễ cây lớn được khách mang đến để thuê ông gia công, chế tác. Các tác phẩm bằng gỗ của ông Lũy có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy vào từng loại gỗ và sự cầu kỳ, công phu trong từng sản phẩm.

Còn ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), anh Nguyễn Chí Thạnh cũng là một nghệ nhân chế tác gỗ. Anh Thạnh cho biết: “Khi khách hàng mang gỗ đến nhờ chế tác hoặc đặt hàng, mình phải tư vấn nhằm tạo ra sản phẩm phù hợp, có giá trị mà không mất đi tính tự nhiên của gốc cây, rễ cây. Thường thì khách hàng không hiểu nhiều về chuyên môn nên họ khó có thể chọn dáng hình cụ thể. Mỗi tác phẩm hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người thợ phải sáng tạo, cẩn trọng, tỉ mỉ trong từng nét chạm trổ”.

Từ những gốc, thân cây vô tri vô giác, qua óc sáng tạo và khéo léo của đôi tay, những người thợ điêu khắc đã thổi hồn lên từng thớ gỗ để đem đến cho đời những kiệt tác để mọi người thích thú ngắm nhìn.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.