Những nông dân Khmer vượt khó thoát nghèo

Thứ Tư, 19/12/2018 | 16:25

Thời gian qua, cùng với các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh cũng đã thực hiện nhiều giải pháp giúp đồng bào Khmer chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng các hình thức sản xuất, thay đổi tập quán canh tác… Từ đó nhiều bà con người dân tộc Khmer vượt qua khó nghèo, có cuộc sống khấm khá.

* Ông Kim Giàu kiểm tra rẫy ớt chuẩn bị thu hoạch.

* Ông Thạch Thu chăm sóc rẫy hoa màu. Ảnh: C.L

Khi Nhà nước chủ trương chuyển đổi sản xuất từ 1 vụ lúa sang mô hình lúa - tôm và khuyến khích nông dân khai hoang phục hóa, đa dạng cây trồng - vật nuôi, thì gia đình ông Tăng Bình (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) là một trong những hộ người dân tộc Khmer đi đầu thực hiện.

Trước đây, gia đình ông Bình canh tác 6ha đất trồng khóm và trồng lúa nhưng không đủ ăn, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Từ khi chuyển đổi sang sản xuất luân canh lúa - tôm, tôm - cua - cá và đào ao nuôi cá bống tượng, thu nhập của gia đình tăng lên theo từng năm. Khoảng 5 năm nay, mỗi năm gia đình ông Bình lãi từ 200 - 300 triệu đồng. Ông Bình còn tận dụng đất xung quanh nhà trồng thêm hoa màu các loại để kiếm thêm thu nhập và cải thiện bữa ăn.

Ông Bình chia sẻ: “Khi mới chuyển đổi sản xuất qua mô hình tôm - lúa, tôi rất lo lắng vì mình không có kinh nghiệm về nuôi tôm. Song, giờ đây tôi có thể tự tin khẳng định: Mô hình lúa - tôm kết hợp đã mang lại cuộc sống mới cho gia đình tôi”.

Bên cạnh việc chuyển đổi mô hình sản xuất giúp bà con Khmer vươn lên thoát nghèo, cũng có không ít hộ tự lực vươn lên bằng ý chí, nghị lực vượt khó. Ông Thạch Thu (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) là một ví dụ điển hình.

Ông Thu chia sẻ: “Cha mẹ tôi trước đây thuộc diện hộ nghèo, không đất sản xuất. Vì vậy, sau khi lập gia đình, vợ chồng tôi phải lên Sóc Trăng làm thuê kiếm sống. Sau hơn 5 năm sống xa quê, tích lũy được một ít vốn, tôi quyết tâm trở về quê lập nghiệp. Lúc đầu tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ cộng với quyết tâm vượt khó thoát nghèo mà kinh tế gia đình tôi đã khá hơn”.

Từ một nông dân tay trắng, nay ông Thu đã có trong tay hơn 5 công đất rẫy và nuôi bò sinh sản cho thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng/năm. Ông Thu còn được người dân địa phương nhắc đến như một tấm gương về việc thực hiện các phong trào tại địa phương, nhất là xây dựng nông thôn mới.

Cách nhà ông Thu không xa, ông Kim Giàu (xã Vĩnh Trạch Đông) cũng là một lão nông vươn lên từ nghèo khó. Mặc dù không biết chữ, nhưng khi nói về kỹ thuật canh tác cũng như sử dụng các loại phân, thuốc cho từng loại hoa màu, ông Giàu đều có thể nói đúng tên cũng như tác dụng chuyên biệt của mỗi loại. Không ít hộ trồng màu “non” kinh nghiệm tìm đến để được ông tư vấn khi rẫy hoa màu bị dịch bệnh, sâu hại. Đó là vốn kiến thức ông tích lũy sau gần 20 năm làm nương rẫy. Từ một hộ nghèo, không đất sản xuất, nay ông Giàu đã mua 3 công rẫy và thuê ruộng canh tác cho thu nhập gần 90 triệu đồng/năm.

Với sự quan tâm chăm lo của chính quyền, sự hỗ trợ của các ngành chức năng và nỗ lực của người dân, đời sống vật chất, tinh thần đồng bào Khmer ở các địa phương trong tỉnh ngày càng nâng cao. Cuộc sống mới tạo cho họ nhiều niềm vui, vững tâm vươn lên, xây dựng gia đình ngày càng ấm no và hạnh phúc.

Khôi Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.