Nỗi lo sạt lở trong mùa mưa bão

Thứ Tư, 08/07/2020 | 16:52

Dù chỉ mới bước vào mùa mưa, song tình trạng sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa trực tiếp đến đời sống của hàng ngàn hộ dân sống dọc theo các tuyến kênh, rạch. 

Thấp thỏm theo từng con nước

Bạc Liêu là tỉnh có hệ thống sông ngòi chằng chịt với nhiều con sông lớn, có lưu lượng dòng chảy mạnh. Hàng năm, mỗi khi bước vào mùa mưa bão trên địa bàn tỉnh thường xuyên xuất hiện các điểm sạt lở làm ảnh hưởng đến cuộc sống, tình hình sản xuất của người dân, nhất là những hộ dân sống dọc theo các tuyến kênh, rạch. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, đã xảy ra 2 vụ sạt lở làm hư hỏng và thiệt hại 8 căn nhà của người dân ở TX. Giá Rai.

Ông Trần Văn Kiệt (Phường 1, TX. Giá Rai) chia sẻ: “Mỗi khi con nước triều chảy mạnh là các thành viên trong gia đình tôi không ai dám… ngủ vì không biết căn nhà của mình sẽ bị “Hà Bá” nuốt chửng lúc nào. Còn vật dụng sinh hoạt trong nhà cũng chẳng dám mua sắm nhiều cũng chỉ vì nỗi lo sạt lở”.

Trên địa bàn TX. Giá Rai hiện có 5 điểm sạt lở, làm ảnh hưởng đến sinh kế của 350 hộ dân. Theo các chuyên gia, ĐBSCL là vùng đất thấp chủ yếu được kiến tạo từ phù sa sông Mekong. So với trước đây, các vụ sạt lở ở khu vực này, trong đó có Bạc Liêu diễn ra ở mức độ ngày càng cao. Nguyên nhân dẫn đến sạt lở một phần là do sự thay đổi dòng chảy bên cạnh sự tác động của thời tiết mưa to gió lớn. Thêm vào đó, số hộ xây nhà ven sông ngày càng nhiều, các ngôi nhà được gia công cốt thép nên rất nặng, dễ xảy ra sạt lở khi mưa xuống. Bên cạnh đó, sạt lở xuất hiện không chỉ do tác động của biến đổi khí hậu mà còn do việc khai thác nguồn tài nguyên không theo quy hoạch. Và hiện nay, tình trạng sạt lở xảy ra cũng không theo quy luật “bên lở, bên bồi” theo thủy triều hay theo mùa như trước đây, mà diễn ra quanh năm, tại hầu khắp các vùng ven biển, cửa sông…

Người dân ở xã Vĩnh Mỹ B (huyện Hòa Bình) chỉ vị trí vừa xảy ra vụ sạt lở.  Ảnh: C.L

Cần giải pháp căn cơ

Thời gian qua, Bạc Liêu đã tập trung khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu, nhất là ở khu vực các cửa biển, cửa sông, dọc theo các tuyến kênh lớn. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai xây dựng các loại kè bằng vật liệu địa phương, kè rọ đá, kè tường…, nhằm giảm sóng và tác động của thủy triều để khắc phục tình trạng sạt lở. Thế nhưng, đa phần đây là những công trình mang giải pháp tình thế ở những nơi đặc biệt xung yếu. Không thể có những giải pháp căn cơ và lâu dài hơn cũng bởi nguồn lực của địa phương không đảm bảo, trong khi đó nguồn đầu tư từ Trung ương lại “nhỏ giọt”, phân kỳ qua từng năm.

Để khắc phục sạt lở, cũng như bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và giúp người dân trong vùng có nguy cơ bị sạt lở có chỗ ở ổn định, yên tâm lao động, sản xuất, Sở NN&PTNT đã có công văn gửi các địa phương về việc báo cáo thực trạng, nhu cầu đề xuất, việc bố trí lại dân cư ven sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, từ thực tế nhiều năm qua cho thấy, hiệu quả của việc di dời dân vào các tuyến dân cư chưa mang tính toàn diện. Di dời dân vào khu tái định cư đã khó, khó hơn là phải đảm bảo sinh kế sau di dời, tránh tình trạng người dân trở lại ven rừng, biển để mưu sinh. Ông Trương Văn Triều - Phó phòng Kinh tế TX. Giá Rai, cho biết: “Hiện UBND thị xã cũng đang lên phương án và lập quy hoạch khu tái định cư để di dời bà con nằm trong vùng sạt lở ra chỗ ở mới an toàn. Cùng với đó, Phòng Kinh tế cũng phối hợp với các bên có liên quan để cấm biển cảnh báo ở các điểm hay xảy ra sạt lở nhằm hạn chế đến mức thấp nhất cho bà con”.

Bên cạnh việc tuyên truyền, cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao để kịp thời có giải pháp di dời người dân ở những điểm có nguy cơ sạt lở cao vào nơi an toàn; thống kê lại số hộ đang sinh sống ven sông, phân loại để có giải pháp căn cơ trong sắp xếp và ổn định dân cư. Cùng với đó, cần quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở ven sông rạch, cần thiết nghiêm cấm việc xây dựng nhà ven sông. Các địa phương khi xây dựng tuyến đường giao thông mới, cần hạn chế gần sông, kênh rạch. Khi quy hoạch các khu dân cư nên tránh xa bờ sông, bờ kênh… Đặc biệt các vùng ven biển, cần có nghiên cứu sâu về ứng phó tác động của sụt lún và ảnh hưởng của hạ thấp lòng dẫn, cũng như các biến động về dòng chảy sông Mekong.

Chí Linh

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, đầu năm 2020, 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã tổ chức cập nhật dữ liệu sạt lở lên bản đồ Webgis về sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL. Qua số liệu thống kê toàn vùng cho thấy: Có 564 vị trí sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài hơn 834km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm 104/203km, chiếm tỷ lệ khoảng 35%; sạt lở nguy hiểm 121 điểm/246,6km. Từ nhiều nguồn kinh phí, các địa phương ở khu vực ĐBSCL đã xử lý được 141 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài trên 215km, tổng kinh phí trên 11.440 tỷ đồng.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.