Quản lý vấn nạn xả thải gây ô nhiễm môi trường: Đâu là giải pháp?

Thứ Hai, 25/03/2019 | 15:42

Sau khi báo Bạc Liêu đăng loạt bài phản ánh về vấn nạn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh gây ô nhiễm môi trường, đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt, ông Nguyễn Huy Thái - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã có chuyến khảo sát thực tế tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường mà báo đã nêu.

Thiếu trách nhiệm

Có thể nói, đã đến lúc cần gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp chế biến thủy sản (CBTS) xuất khẩu nằm trên tuyến Quốc lộ 1A. Qua điều tra thực tế của phóng viên và kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh tại các nhà máy CBTS năm 2018 đến nay, càng làm rõ thêm mức độ nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường. Đó là vấn nạn xả nước thải trực tiếp không qua xử lý ra môi trường thông qua việc lắp đặt đường ống ngầm xả thẳng ra các kênh, sông của các nhà máy CBTS...

Vấn đề đặt ra ở đây, các “địa chỉ đen” gần như ngành quản lý đều nắm rõ, vì nó ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân và người dân cũng đã kiến nghị nhiều lần. Thế nhưng, vì sao ngành quản lý vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý vấn đề đến nơi, đến chốn?! Sự thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý này đã bức tử nhiều kênh rạch trên địa bàn tỉnh. Và tuyến kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau, trục kênh quan trọng hàng đầu của tỉnh - trong tương lai gần cũng sẽ ô nhiễm nặng nề, kéo theo việc lấy nước phục vụ nuôi trồng thủy sản của hàng ngàn hộ dân rơi vào cảnh khốn đốn nếu như sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của ngành quản lý và các địa phương vẫn còn như hiện nay.

Người dân ấp Long Hòa (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường với ông Nguyễn Huy Thái (bìa phải) - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.

Theo kết luận của Đoàn ĐBQH tỉnh từ đợt giám sát xả thải tại các nhà máy CBTS xuất khẩu: Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý về môi trường chưa đồng bộ, bất cập còn chồng chéo; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu; các chủ công ty, doanh nghiệp hầu như không nắm được chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) nên nhận thức về BVMT chưa tốt; doanh nghiệp thì đối phó với cơ quan chức năng về BVMT và vì mục tiêu lợi nhuận (hệ thống xử lý nước thải khi kiểm tra thì vận hành, không kiểm tra thì không vận hành; lắp đặt hệ thống xả nước thải bằng hai đường ống ngầm dưới đất song song khác nhau…).

Bên cạnh đó, do đã được xây dựng từ rất lâu nên công nghệ xử lý nước thải của đa số nhà máy CBTS lạc hậu, hệ thống xử lý nước thải xuống cấp. Vẫn còn một số cơ sở, nhà máy CBTS chưa ý thức, trách nhiệm trong công tác BVMT, không thực hiện đúng các biện pháp BVMT đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT, đề án BVMT chi tiết và đề án BVMT đơn giản; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hoặc chưa vận hành đồng bộ, thường xuyên…, xem nhẹ công tác BVMT, chỉ đối phó trong giai đoạn trước mắt, không có chiến lược bền vững.

Tại sao nạn ô nhiễm môi trường thậm chí không giảm mà ngày càng trở nên nghiêm trọng? Việc tồn tại những bất cập trên cho thấy phải chăng các cơ quan quản lý mà trực tiếp là ngành Tài nguyên - Môi trường chưa làm hết trách nhiệm của mình?!

Người dân ấp Láng Trâm (xã Tân Thạnh, TX. Giá Rai) phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường với ông Nguyễn Huy Thái (bìa trái) - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh. Ảnh: C.L

 

Cần làm gì?

Trong định hướng phát triển của mình, tỉnh xác định tăng trưởng bền vững là yếu tố ưu tiên hàng đầu và Bạc Liêu kiên quyết không đánh đổi nếu tăng trưởng mà làm ảnh hưởng xấu đến môi trường. Quan điểm nhất quán này đã được cụ thể hóa bằng việc Bạc Liêu xin Chính phủ rút khỏi dự án nhiệt điện và xin thay thế bằng các dự án năng lượng tái tạo. Tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch hành động “tăng trưởng xanh” đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Qua đó cho thấy, tăng trưởng kinh tế gắn với BVMT là mục tiêu chiến lược trong hiện tại và cả tương lai của tỉnh.

Thiết nghĩ, cần sớm triển khai thực hiện các giải pháp, bởi đây không chỉ là vấn đề mang tính sống còn, mà còn là giải pháp để hóa giải các nguy cơ, thách thức do tăng trưởng kinh tế đặt ra, nhất là khi Bạc Liêu trở thành thủ phủ nuôi tôm công nghiệp cả nước thì yếu tố môi trường và đảm bảo cho môi trường sạch là hàng đầu. Bên cạnh đó, sự phát triển của các nhà máy CBTS xuất khẩu trải dài trên suốt tuyến Quốc lộ 1A hiện nay cũng chính là bài toán về môi trường cần được giải quyết.

Vấn đề đặt ra, để làm tốt công tác quản lý về môi trường, nhất là xử lý nước thải đúng chuẩn, Bạc Liêu có nên quy hoạch lại các nhà máy CBTS xuất khẩu theo hướng tập trung vào Khu công nghiệp Láng Trâm, hoặc một khu chế xuất mới nào đó, thay vì để các nhà máy xây dựng tự phát như hiện nay?! Giải quyết tốt bài toán này, không chỉ giúp tỉnh quản lý tốt về đầu vào, đầu ra, mà còn mở ra cơ hội trong việc cơ cấu lại ngành hàng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thay vì như hiện nay để hàng loạt các nhà máy sơ chế gây lãng phí nguồn tôm và gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về BVMT đối với các nhà máy CBTS, cũng cần làm rõ trách nhiệm của ngành quản lý, nhất là tình trạng thiếu trách nhiệm và vô cảm trước những bức xúc, nỗi khổ của người dân. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT, nhằm thực hiện công bằng cho các doanh nghiệp thực hiện tốt và để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BVMT tại các nhà máy, cơ sở CBTS. Đặc biệt, kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực và đẩy lùi tham nhũng trong đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về môi trường (nếu có), nhằm tạo lòng tin trong nhân dân và xác định rõ công tác BVMT như bảo vệ mái nhà chung cho nhân loại. Ngoài ra, cần kiện toàn, tăng cường năng lực tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, nhất là ở cấp cơ sở; tăng cường đầu tư đảm bảo cơ sở vật chất, kỹ thuật, phương tiện hỗ trợ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ BVMT trong tình hình mới…

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.