Tăng cường đầu tư cho công tác thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Thứ Sáu, 07/08/2020 | 16:49

Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, việc quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Lữ Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở TN-MT tặng thùng ủ phân compost cho các địa phương của huyện Vĩnh Lợi.

Hiện nay, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chủ yếu thông qua hợp đồng do Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh và Trung tâm Dịch vụ đô thị các huyện, thị xã là các đơn vị công ích do Nhà nước quản lý thực hiện. Trong đó, phương thức chủ yếu là bố trí thu gom từ các hẻm bằng xe đẩy tay ra các đường lớn để vận chuyển lên các xe ép rác, xe tải rồi chuyển đến các bãi rác xử lý. Riêng đối với khu vực nông thôn, đa số các xã có thành lập các hợp tác xã, tổ dịch vụ vệ sinh môi trường và thực hiện thu gom, vận chuyển về các bãi tập kết rác để xử lý. Theo thống kê năm 2019, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh hơn 163 tấn/ngày, trong đó số lượng được thu gom khoảng 147,288 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ 89,97%. Đối với tổng chất thải rắn sinh hoạt khu dân cư nông thôn khoảng 143,165 tấn/ngày.

Về xử lý rác, biện pháp được áp dụng trước đây tại các bãi rác là chôn lấp và dùng chế phẩm vi sinh để khử mùi hôi, từ đó kéo theo tình trạng quá tải và không đảm bảo về vệ sinh môi trường.

Để giải quyết những khó khăn này, Sở TN-MT đã dành nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để đầu tư và đưa vào hoạt động lò đốt rác sinh hoạt bằng khí đốt tự nhiên với công suất 500kg/giờ tại huyện Phước Long, huyện Đông Hải và đang tiếp tục tranh thủ kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau để triển khai đầu tư xây dựng 2 lò đốt rác tại huyện Hòa Bình và huyện Hồng Dân. Riêng bãi rác tại thị trấn Châu Hưng (huyện Vĩnh Lợi), hiện Sở đang phối hợp với nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục để tiến tới triển khai thi công  và đưa nhà máy xử lý rác huyện Vĩnh Lợi đi vào hoạt động, góp phần xử lý, làm giảm thiểu ô nhiễm do rác thải trên địa bàn tỉnh.

Thu gom rác thải trên địa bàn TP. Bạc Liêu. Ảnh: T.A

Đối với rác thải khu vực nông thôn, hình thức xử lý chủ yếu là người dân tự xử lý do lộ nông thôn nhỏ hẹp, địa hình phức tạp, sông ngòi chằng chịt gây khó khăn cho việc xe rác đến nơi để thu gom. Vì vậy, Sở TN-MT đã tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội LHPN, Tỉnh đoàn, Hội Cựu chiến binh, UBND các xã tuyên truyền, tập huấn và triển khai mô hình ủ rác hữu cơ làm phân compost. Theo đó, hướng dẫn người dân biết cách phân loại rác tại nguồn, biến rác thải thành phân bón cho cây trồng, hạn chế tình trạng vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Từ năm 2012 đến nay, ngành chức năng đã hỗ trợ hơn 2.536 thùng ủ rác hữu cơ thành phân compost cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh để xử lý rác sinh hoạt; hỗ trợ hơn 419 cái thùng rác để các huyện, thị xã tăng cường năng lực thu gom…

Đối với bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, đây cũng là nguồn gây ô nhiễm nếu như không được thu gom, xử lý đúng quy định. Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm từ loại rác thải này, năm 2017, Sở TN-MT cũng đã đầu tư 230 bể thu gom tại nhiều địa bàn của 4 huyện: Hòa Bình, Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân; theo đó triển khai thu gom được hơn 4.700kg bao gói thuốc bảo vệ thực vật và xử lý đúng quy định.

Với những giải pháp thiết thực trên, công tác thu gom và xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, ý thức cộng đồng, doanh nghiệp được nâng cao, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ môi trường.

KHÁNH NGỌC (Sở TN-MT)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.