Thiếu hụt lao động nghề biển

Thứ Sáu, 18/10/2019 | 15:04

Để vươn khơi khai thác thủy hải sản, các chủ tàu thường phải bỏ ra khoản chi phí khá lớn với hàng trăm triệu đồng. Thế nhưng, sự chuẩn bị này sẽ trở thành vô ích nếu như không tìm được tài công và ngư phủ. Một thực tế đang diễn ra tại nhiều làng biển của tỉnh là nguồn lao động nghề biển đang thiếu hụt.

Vận chuyển tôm, cá từ tàu đánh bắt thủy sản lên Cảng cá Gành Hào (huyện Đông Hải). Ảnh: C.L

Trước đây, lao động làm nghề biển khá đông, đáp ứng đủ nhu cầu vào mùa đánh bắt thủy sản, nhưng nay lực lượng này khá mỏng. Ông Lê Văn Hiệp, chủ tàu cá Duy An (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) than thở: “Bạn tàu (ngư phủ) bây giờ khó kiếm lắm! Đã vậy, họ còn không hăng hái đi biển như trước nữa. Có lần tàu của tôi đến giờ nhổ neo mà phải nán lại để đợi họ... nhậu xong mới chịu đi. Chán quá nên sau chuyến đi biển đó, tôi cho tàu nằm bờ cả tháng”.

Anh Lê Thanh Bình, chủ ghe Hoàng Thái (phường Nhà Mát), cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Ngư phủ nhận tiền xong nhưng đến giờ tàu ra khơi thì không thấy họ đâu. Hỏi người nhà thì họ bảo không biết. Lân la hỏi nhóm bạn tàu thì mới biết họ đã đi tìm công việc khác ở ngoài tỉnh. Anh Bình chia sẻ: “Phần lớn người lao động trên biển đều có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy, các chủ tàu thường cho ngư phủ ứng trước một khoản tiền để đưa cho gia đình chi tiêu trong những ngày họ đi biển. Song, một số chủ tàu mất tiền vì ngư phủ nhận tiền trước nhưng lại không đi”.

Một trong những nguyên nhân khiến cho ngư dân “ngại” ra biển là vì nguồn thủy sản không còn nhiều, tàu ra khơi tốn nhiều chi phí nhưng hiệu quả không cao. Nguồn lợi thủy hải sản vơi cạn, thu nhập thấp, nhiều ngư phủ phải bỏ nghề đi tìm việc làm khác ở các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ông Huỳnh Văn Toàn (ngụ thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) cho biết: “Nghề đi biển đối mặt với nhiều hiểm nguy. Bên cạnh đó, mấy năm nay, do thu nhập kém nên nhiều ngư phủ không còn mặn mà với nghề biển nữa”.

Ngoài việc thiếu hụt lao động phổ thông, những lao động có tay nghề, có thể sử dụng các loại máy móc hiện đại như máy dò tìm ngư trường, ra-đa hay tài công cũng ở trong tình trạng khan hiếm bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện nay, rất ít nơi đào tạo nguồn nhân lực này. Không ít lao động có tay nghề cao bỏ nghề biển đi xuất khẩu lao động, làm nghề khác có thu nhập cao hơn, hoặc đi làm thuê cho các tàu cá nước ngoài. Thế hệ trẻ - con cái của những chủ tàu cũng ít người theo nghề của ông cha.

Thiết nghĩ, về lâu dài, muốn có nguồn lao động biển bền vững, Nhà nước nên tổ chức đào tạo nguồn nhân lực này. Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ ngư phủ ứng dụng công nghệ hiện đại vào khai thác thủy sản để giảm nguồn lao động trên biển mà vẫn đảm bảo hiệu quả khai thác. Đồng thời đầu tư hạ tầng cảng, khu neo đậu tàu thuyền cùng những chính sách hỗ trợ để giúp ngư phủ an tâm bám biển.

CHÍ LINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.