Thịt heo “bẩn” vẫn có mặt ở các chợ

Thứ Hai, 01/03/2021 | 16:47

Việc bơm nước vào gia súc thực chất là gian lận thương mại, nhằm làm tăng trọng lượng cho heo trước khi giết mổ, khiến cho người tiêu dùng bị thiệt hại. Mặt khác, khi heo bị bơm nước hoặc tiêm thuốc an thần thì chất lượng thịt không đảm bảo, thậm chí người tiêu dùng có thể bị đầu độc do nước bẩn khiến thịt biến chất, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, công tác ngăn chặn, xử lý hành vi gian dối, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa được thực hiện triệt để.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đánh dấu heo bơm nước bị bắt giữ ở huyện Vĩnh Lợi.

Khó quản lý

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện thương lái thường sử dụng 3 cách bơm nước vào heo. Cách thứ nhất được coi là “khép kín” và “hiệu quả” nhất là bơm ngay tại lò mổ. Một con heo trong vòng 3 - 4 tiếng sẽ bơm 4 lần, mỗi lần bơm hơn 2 lít nước. Nước được bơm thẳng vào bao tử, từ đó thẩm thấu qua ruột, khiến heo tăng thêm 5kg “thịt”. Cách thứ hai là thương lái bơm heo tại các lán, trại tập trung trước khi đưa vào lò giết mổ. Cách thứ ba là bơm nước vào heo trên đường đưa heo đi về lò mổ và heo được bỏ mối. Mỗi lần bơm theo cách này, heo tăng chừng 1,5 - 2kg. Việc bơm nước này đem lại siêu lợi nhuận. Nếu bơm 10 con heo, sau khi trừ đi mọi chi phí, kể cả việc giảm giá bán ở chợ để cạnh tranh, thương lái bỏ túi gần 10 triệu đồng.

Nếu như hai hình thức bơm nước vào heo ở lán tập trung và trên đường vận chuyển khó quản lý, kiểm soát và xử lý thì ngược lại, tất cả hoạt động bơm nước vào heo tại các lò giết mổ tập trung gần như công khai. Nếu có bị phát hiện cũng chỉ bị xử lý vi phạm hành chính với mức khá nhẹ. Bên cạnh đó, việc tập trung đoàn liên ngành bao gồm: cán bộ thú y, quản lý thị trường, công an… cũng chỉ diễn ra trong cao điểm, hoặc các chiến dịch kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, còn thường ngày chưa được chú trọng nên các chủ cơ sở không hề ngán ngại, vẫn cứ vi phạm.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (Phường 1, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Mình mua thịt thì chỉ nhìn bằng mắt xem miếng thịt có tươi ngon không, có đóng dấu kiểm dịch chưa…, rất khó biết được miếng thịt đó có bị bơm nước để tăng trọng lượng. Nếu lỡ mua nhầm thì cũng đành chịu chứ biết trình báo ai bây giờ”.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh lập biên bản xử phạt một trường hợp bơm nước vào heo trên địa bàn TX. Giá Rai. Ảnh: C.L

Cần kiên quyết xử lý

Nghị định 119/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi với mức xử phạt 5 - 6 triệu đồng đối với hành vi bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ. Mới đây, Chính phủ đã ban hành thêm Nghị định 41/2017/NĐ-CP tăng mức xử phạt hành chính đối với hành vi bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ lên tối đa 25 triệu đồng. Theo ông Hà Văn Buôl - Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT: “Chế tài xử phạt như vậy vẫn còn nương nhẹ. Đề xuất nên đình chỉ hẳn việc giết mổ ở cơ sở vi phạm, vì hành vi này gây ảnh hưởng đến sức khỏe của đại đa số người tiêu dùng chứ không chỉ là tổn thất về vật chất, tiền bạc”.

Nhằm bảo vệ sức khỏe, tránh để người tiêu dùng sử dụng thịt gia súc bị bơm nước, thiết nghĩ rất cần sự giám sát chặt chẽ hoạt động ở các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ của chính quyền cơ sở. Bên cạnh đó, cán bộ thú y cần giám sát chặt chẽ hơn nữa việc giết mổ, làm đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công; thường xuyên tuyên truyền việc đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm cho các chủ cơ sở giết mổ. Ngoài ra, cần có biện pháp xử lý mạnh tay hơn đối với hành vi bơm nước vào heo, vì với mức phạt như hiện nay là chưa đủ sức răn đe. Đối với các chủ lò giết mổ, cần chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của mình nếu để xảy ra trường hợp bơm nước vào heo trước khi giết mổ tại cơ sở của mình. Bởi, mỗi khi có đoàn kiểm tra, các chủ lò thường vắng mặt nên rất khó phối hợp, xử lý các trường hợp vi phạm…

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.