Thông đường cho nông sản

Thứ Hai, 26/07/2021 | 17:41

Vấn đề sản xuất và tiêu thụ nông sản của Bạc Liêu trong điều kiện giãn cách xã hội không nóng bỏng như các tỉnh, thành trong khu vực. Mọi tác động của dịch bệnh COVID-19 luôn được tháo gỡ kịp thời bởi các sở, ngành: NN&PTNT, Giao thông - vận tải, Y tế, Quân sự, Công an… thông qua các tổ công tác đặc biệt.

Lực lượng chốt chặn trên tuyến Quốc lộ 1A (địa bàn xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) kiểm tra các phương tiện trước khi vào địa bàn tỉnh.

SẢN XUẤT THUẬN LỢI, SẢN LƯỢNG DỒI DÀO

Trong báo cáo gửi Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết, từ ngày 20 - 30/7, trên địa bàn tỉnh không thu hoạch lúa hè thu nên không bị tác động bởi đợt giãn cách xã hội lần này.

Về rau màu và cây ăn trái, từ ngày 20/7 - 15/9/2021, toàn tỉnh thu hoạch gần 3.000ha, ước sản lượng 31.622 tấn. Nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh khoảng 40% sản lượng. Không chỉ cân đối được nhu cầu rau trong tỉnh mà Bạc Liêu còn dư để bán ra thị trường hơn 18.000 tấn rau trong thời gian này.

Diện tích cây ăn trái của Bạc Liêu chủ yếu là nhãn với khoảng 173ha, sản lượng dự kiến 1.557 tấn. Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên sức mua và giá bán sụt giảm từ 30 - 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Tổng đàn heo trong tỉnh tính đến tháng 7/2021 hơn 220.000 con, đã xuất chuồng 150.000 con, tương đương 145.000 tấn; đàn gia cầm 3,3 triệu con, đã xuất chuồng 1,5 triệu con, tương đương 2.250 tấn, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh. Sản lượng muối thậm chí còn tồn 36.400 tấn (huyện Đông Hải: 23.200 tấn, huyện Hòa Bình: 13.200 tấn) đang cần tiêu thụ. Sản lượng tôm giống sản xuất ra hàng tháng khoảng 3 tỷ con. Trong khi đó, nhu cầu thả giống trong tỉnh chỉ bằng 1,98 tỷ con, lượng giống dư thừa 1,02 tỷ con. Những ngày qua, do thực hiện giãn cách xã hội nên việc vận chuyển tôm giống giữa các tỉnh còn hạn chế, dẫn đến lượng tôm giống vận chuyển giảm; công ty có lượng giống tồn đọng nhiều nhất khoảng 500 triệu con.

Những ngày thực hiện Chỉ thị 16, nhãn Bạc Liêu vẫn đa dạng hóa kênh tiêu thụ theo hình thức giao hàng tận nơi. Ảnh: T.Đ

ĐA DẠNG KÊNH TIÊU THỤ

Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 16, UBND tỉnh cho phép duy trì hoạt động các chợ truyền thống để bán lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu; các siêu thị, các cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm... được duy trì hoạt động (phải đảm yêu cầu phòng chống dịch COVID-19). Tỉnh vẫn tạo điều kiện cho phương tiện vận chuyển hàng nông sản (kể cả phương tiện xe 2 bánh) được tiếp cận thuận tiện các chợ, siêu thị, cửa hàng đang duy trì hoạt động để cung cấp hàng hóa.

UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ quan có liên quan và địa phương có phương án chuẩn bị nguồn hàng và tổ chức đa dạng kênh phân phối hàng hóa thiết yếu bảo đảm an toàn, không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Trong đó có kênh phân phối lưu động, giao hàng tận nơi đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.

Ngay từ ngày đầu giãn cách xã hội, Sở NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi tình hình sản xuất các loại nông sản chính tại địa phương, có giải pháp tiêu thụ phù hợp. Đồng thời, chủ động thông tin hai chiều giữa các huyện, thị xã, thành phố về sản xuất, tiêu thụ các loại nông sản trên từng địa bàn; có giải pháp tháo gỡ khó khăn để hàng hóa nông sản được lưu thông giữa các địa phương với nhau.

Từ chủ trương đó mà các loại hoa màu như: rau má, rau cần nước... ở xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long) đầu ra luôn thông suốt, cung cấp ra thị trường 39 tấn/ngày. Nhãn xuồng Bạc Liêu mặc dù giá giảm do ít người đi chợ nhưng vẫn được giao tới tay người tiêu dùng, giao hàng tới tỉnh Cà Mau và TP. Hồ Chí Minh... Ngoài ra, công ty, doanh nghiệp, nhà máy chế biến trong tỉnh vẫn thu mua thủy, hải sản cho người dân.

………………..........................................................................................................................................................................................................

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT:

Sản xuất và tiêu thụ nông sản diễn ra bình thường 

Tổ công tác đặc biệt của Sở NN&PTNT đã và đang phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT nhằm giúp cho tỉnh tháo gỡ khó khăn kịp thời đến từng mặt hàng nông sản, cụ thể như chuyện ứ đọng rau cần nước, rau má ở Phước Long đến nhãn của TP. Bạc Liêu… nay đã thông thị trường. Việc vận chuyển tôm giống liên tỉnh, liên vùng đã diễn ra thông suốt.

Khi vấn đề tiêu thụ nông sản đã ổn thì chúng ta lại sợ thiếu hàng khi tình hình ổn định trở lại. Do đó, việc duy trì sản xuất ổn định cả về sản lượng và chất lượng được Sở NN&PTNT quan tâm hàng đầu. Sở NN&PTNT Bạc Liêu đang kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm nhu cầu vận chuyển liên vùng hàng hóa đầu vào cho sản xuất của tỉnh. Cụ thể, mỗi tháng Bạc Liêu có nhu cầu nhập 200.000 con giống gia cầm; 10.000 con giống heo; thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản khoảng 150 tấn/tháng và vật tư nông nghiệp sản lượng rất lớn.

Cán bộ khuyến nông và các chi cục, trung tâm trực thuộc Sở NN&PTNT mặc dù giảm 50% số người có mặt tại cơ quan, nhưng lực lượng này luôn có mặt tại đồng ruộng, ao tôm; phối hợp với chính quyền địa phương bám sát tình hình sản xuất của nông dân và doanh nghiệp để có đề xuất, kiến nghị kịp thời. Thay vì mở các lớp tập huấn thì ngành Nông nghiệp tỉnh đang tăng cường hướng dẫn kỹ thuật thông qua các tài liệu tờ bướm, tờ rơi, sổ tay, cẩm nang… theo hình thức tiếp cận mới với nông dân. 

 

Ông Nguyễn Trường Hận - Phó Giám đốc Sở GT-VT:

Nới rộng “luồng xanh” cho xe vận chuyển nông sản

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động vận tải hàng hóa của tỉnh đi và về từ vùng dịch, UBND tỉnh đã ban hành Công văn cho phép doanh nghiệp vận tải (trên 10 phương tiện) được quản lý sinh hoạt tập trung và giải quyết lưu trú tạm thời cho các lái xe, phụ xe tại khu lưu trú do doanh nghiệp tự bố trí (có kèm điều kiện), đặt dưới sự giám sát của chính quyền cấp huyện. Tuy nhiên, lái xe, phụ xe vẫn phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Theo tôi, cơ chế này vừa không làm ảnh hưởng nguồn nhân lực (lái xe) của doanh nghiệp vận tải do phải cách ly tập trung, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh.  

Theo chỉ đạo của Bộ GT-VT và Bộ Y tế, từ trước khi thực hiện Chỉ thị 16, Bạc Liêu đã có hơn 50 phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất - kinh doanh được Sở GT-VT TP. Hồ Chí Minh cấp thẻ nhận diện ưu tiên "luồng xanh", có mã QR code. Từ đó, nhiều mặt hàng nông sản của Bạc Liêu vẫn được thâm nhập bình thường vào thị trường thành phố. Hiện nay, Sở GT-VT Bạc Liêu được Bộ GT-VT giao thẩm quyền cấp thẻ nhận diện này cho phương tiện vận tải. Phía Sở GT-VT đã triển khai phần mềm cấp thẻ đến các doanh nghiệp. Khi có nhu cầu, doanh nghiệp chỉ cần khai báo điện tử, nếu đủ điều kiện sẽ được cấp ngay.

Xe có thẻ nhận diện "luồng xanh", cơ quan chức năng chỉ thực hiện tiền kiểm và hậu kiểm trên cơ sở cam kết của chủ doanh nghiệp. Xe "luồng xanh" có lối đi riêng qua tất cả các trạm kiểm soát dịch bệnh theo đúng lịch trình. Lái xe còn được các tỉnh, thành phố xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

…………………………………………......................................................................................................................................................................

TẤN ĐẠT

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.