Tín dụng cho hộ nghèo: Để đồng vốn vay phát huy hiệu quả

Thứ Sáu, 04/05/2018 | 16:19

Một trong những giải pháp góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trong thời gian qua có sự đóng góp tích cực từ nguồn vốn hỗ trợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Thông qua nguồn vốn này đã giúp nhiều hộ nghèo, các đối tượng chính sách có được việc làm, tạo thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Năm qua, với việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng đầu tư cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các hộ chính sách, NHCSXH tỉnh đã đầu tư cho 88.854 hộ vay với tổng dư nợ trên 1.730 tỷ đồng. Phải thừa nhận rằng, thời gian qua NHCSXH tỉnh đã tích cực làm tốt công tác phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, địa phương và tập trung ban hành nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm - vay vốn.

Thế nhưng bên cạnh đó, chất lượng tín dụng cải thiện chưa nhiều, tỷ lệ nợ quá hạn, lãi tồn đọng vẫn còn chiếm khá cao mà một trong những nguyên nhân chính vẫn là ý thức của các hộ vay và thiếu những mô hình hay trong công tác quản lý đồng vốn. Bà Đoàn Hồng Lĩnh - Chủ tịch Hội LHPN TP. Bạc Liêu, một trong những đơn vị nhận ủy thác cho vay vốn từ NHCSXH tỉnh cho biết: “Qua điều tra thực tế từ các hộ vay, nhiều hộ khi vay tiền xong không muốn trả nợ và xem đó là nguồn vốn hỗ trợ không cần phải hoàn trả. Bên cạnh đó, việc sử dụng đồng vốn vay còn chưa phát huy hiệu quả nên làm cho tỷ lệ nợ quá hạn tăng cao”. Ngoài ra, việc tái đầu tư và quản lý đồng vốn vay ở một số địa phương còn chưa được quan tâm, nhất là việc kiểm tra đồng vốn và phát huy hiệu quả đồng vốn vay. Chính điều này đã tạo nên tâm lý ỷ lại, chưa muốn trả nợ và kéo theo nạn so bì gây khó cho quá trình xử lý nợ.

Thông qua nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ nghèo có điều kiện mua bán và tạo thu nhập ổn định. Ảnh: L.D

Nhằm giải quyết khó khăn và phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư, Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh đã đề ra một số chỉ tiêu cần phấn đấu cho năm 2018 như: Tăng trưởng dư nợ từ 10 - 12% (tương ứng 200 tỷ đồng) đưa dư nợ đạt hơn 1.900 tỷ đồng; Nợ quá hạn dưới 3,2%/tổng dư nợ và không còn xã có nợ quá hạn trên 4%; Tỷ lệ thu lãi đạt trên 93% lãi dự thu; Tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt 25% và chất lượng các tổ tiết kiệm - vay vốn, tổ tốt khá trên 70%, tổ yếu kém dưới 10%... Để hoàn thành các mục tiêu này, Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh đã kiến nghị NHCSXH Trung ương cần ưu tiên tăng nguồn vốn, nhất là đối với chương trình cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của đối tượng thụ hưởng do hiện tại dư nợ bình quân trên hộ vay còn thấp, đối tượng thụ hưởng có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn còn nhiều…

Ngoài tuyên truyền để người dân nắm rõ, hiểu đúng và chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách trên địa bàn, cần tăng cường công tác chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị cấp dưới phối hợp chặt chẽ hơn nữa với NHCSXH trong công tác đôn đốc thu hồi nợ gốc, lãi, tuyên truyền ý thức trả nợ và gửi tiền tiết kiệm của tổ viên; chỉ đạo Hội cấp xã phối hợp tốt với các trưởng khóm/ấp từ khâu bình xét cho vay tại từng tổ tiết kiệm - vay vốn, đến khâu kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và đôn đốc thu hồi, xử lý nợ của hộ vay. Việc bình xét cho vay phải được công khai và đảm bảo đúng đối tượng, có kế hoạch sử dụng vốn, mô hình làm ăn rõ ràng (hạn chế tình trạng sau khi vay vốn hộ vay bỏ đi nơi khác làm ăn) và mạnh dạn xem xét tăng mức vay đối với các hộ vay làm ăn có hiệu quả, có ý thức trả nợ tốt…

Tú Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.