Tin vui cho các làng nghề truyền thống

Thứ Tư, 04/07/2018 | 15:19

Từ nhiều năm qua, làng nghề truyền thống ở huyện Hồng Dân, Phước Long đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. Tuy nhiên, nhiều làng nghề truyền thống hiện bị mai một do thiếu sự đầu tư và các chính sách hỗ trợ.

Nghề rèn truyền thống ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân).

Sản phẩm đan đát phục vụ khách du lịch của làng nghề huyện Phước Long. Ảnh: L.D

Được xem là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống còn đang hoạt động với các nghề: làm bánh tráng, đan đát, rèn, dệt chiếu… Các nghề này đã và đang là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình, đồng thời giúp giải quyết thời gian nông nhàn, tạo thêm thu nhập cho lao động nông thôn. Qua đó, khai thác có hiệu quả các nguồn nguyên liệu tại chỗ và phát huy nguồn tài nguyên đất thông qua việc cải tạo vườn tạp cho phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề (như việc trồng tre, trúc, lục bình… phục vụ nghề đan đát). Thế nhưng, nhiều làng nghề truyền thống hiện bị mai một và giảm dần do thiếu vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ không ổn định và nhiều sản phẩm chưa được nâng chất do chưa được đầu tư khoa học - công nghệ. Ngoài huyện Hồng Dân, các làng nghề truyền thống khác cũng cần được quan tâm đầu tư như: nghề đan đát ở huyện Phước Long, nghề chế biến khô ở huyện Đông Hải…

Ông Huỳnh Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) cho biết: “Hiện trên địa bàn thị trấn còn 6 làng nghề đang hoạt động, qua đó đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động của địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của các làng nghề ngày càng thu hẹp do thiếu vốn đầu tư và công nghệ sản xuất còn lạc hậu”.

Có một tin vui cho những làng nghề truyền thống là vào tháng 4/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó có việc ưu tiên thực hiện các chính sách hỗ trợ các làng nghề truyền thống. Cụ thể là ưu tiên cho các làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền; làng nghề của đồng bào dân tộc thiểu số; làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt; làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; làng nghề gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống…

Theo đó, Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ làng nghề truyền thống như: hỗ trợ phát triển các ngành nghề nông thôn đối với làng nghề sản xuất - kinh doanh có hiệu quả được ưu tiên vay vốn từ các tổ chức tín dụng). Bên cạnh đó, được Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định hiện hành của Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Đồng thời, được hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ sở hữu thương hiệu; khuyến khích áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất ở làng nghề truyền thống để tăng năng suất, nâng cao khả năng cạnh tranh gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của nghề truyền thống.

Song song đó, người làm nghề truyền thống được hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định hiện hành. Các nghệ nhân trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo nghiệp vụ sư phạm nghề nghiệp, kỹ năng dạy học; được nhận thù lao theo quy định khi tham gia đào tạo nghề nghiệp cho lao động nông thôn...

Với những chính sách hỗ trợ này, chắc chắn sẽ tạo nên những cú hích mới cho việc lưu giữ và phát triển làng nghề. Đồng thời, góp phần khai thác có hiệu quả các nguồn lực ở khu vực nông thôn và phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới.

Tú Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.