Tuyên truyền phòng tránh tai nạn lao động:​ Vì sự an toàn của người lao động

Thứ Tư, 02/12/2020 | 15:21

Những năm qua, công tác tuyên truyền cho các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động (NLĐ) phòng tránh tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp luôn được các ngành chức năng, các địa phương chú trọng đẩy mạnh. Từ đó, người sử dụng lao động đã có trách nhiệm hơn trong việc chăm lo sức khỏe NLĐ.

Nâng cao ý thức người sử dụng lao động

Nhiều vụ TNLĐ vẫn còn xảy ra trong thời gian qua mà nguyên nhân chủ yếu là do NLĐ không thực hiện đúng nội quy, quy trình lao động, không sử dụng bảo hộ lao động, phương tiện phòng vệ cá nhân. Mặt khác, do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị lao động không đảm bảo, không huấn luyện an toàn lao động cho NLĐ... Nhằm đảm bảo an toàn cho NLĐ, Sở LĐ-TB&XH đã chú trọng công tác phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền cho người sử dụng lao động và NLĐ về các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), phòng chống cháy nổ, các nguy cơ tiềm ẩn TNLĐ, cháy nổ và bệnh nghề nghiệp… Qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động và NLĐ trong công tác đảm bảo ATVSLĐ.

Các đơn vị, doanh nghiệp đã triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa chủ yếu như: kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng. Hằng năm, khi xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều lập kế hoạch, biện pháp an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động. NLĐ làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại được người sử dụng lao động trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc theo quy định. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp còn tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, phòng chống cháy nổ cho NLĐ, người học nghề, tập nghề khi tuyển dụng và sắp xếp lao động. Đối với NLĐ làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ bắt buộc phải tham dự khóa huấn luyện ATVSLĐ, kiểm tra sát hạch…

Hội nghị triển khai và phổ biến chế độ chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ảnh: T.T

Quy định cho một môi trường làm việc an toàn

Theo quy định thì NLĐ được khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần, riêng NLĐ nặng nhọc, môi trường làm việc có nhiều yếu tố độc hại được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Đồng thời, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đơn vị phải củng cố và hoàn thiện bộ phận y tế cơ sở và mạng lưới an toàn vệ sinh; tăng cường công tác tự kiểm tra về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; tổ chức bố trí, sắp xếp thời giờ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; sơ cấp cứu cho NLĐ khi bị TNLĐ; cải thiện điều kiện làm việc, giảm tiếp xúc trực tiếp với các hóa chất độc hại, tăng cường hệ thống thông gió tại các nhà xưởng, bố trí đủ nước uống, nước sạch cho NLĐ.

Đối với việc sử dụng máy, thiết bị, vật tư, người sử dụng lao động không được sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trong một số trường hợp: Không được kiểm định; kết quả kiểm định không đạt yêu cầu; không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; hết hạn sử dụng; không bảo đảm chất lượng, gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, pháp luật nghiêm cấm người sử dụng lao động trả tiền thay cho việc bồi dưỡng bằng hiện vật nhằm đảm bảo sức khỏe cho NLĐ.

Để phòng tránh TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ, thiết nghĩ cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, phổ biến về Bộ luật Lao động; hướng dẫn người sử dụng lao động và NLĐ thực hiện đầy đủ các quy định về ATVSLĐ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động đối với các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn, có hình thức xử phạt nghiêm minh đối với những đơn vị vi phạm.

Hoàng Uyên

Tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Mới đây, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức buổi tập huấn nhằm tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2020 cho các sở, ngành, các huyện, thành phố và các doanh nghiệp trong tỉnh.

Thông qua buổi tập huấn, các đại biểu đã triển khai các nội dung về Luật An toàn, vệ sinh lao động; trong đó quy định về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; các chế độ, chính sách đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; Luật Bảo hiểm xã hội và một số quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; Thông tư số 26 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc; trình tự, thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

Đặc biệt, theo quy định mới thì chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có nhiều thay đổi như: Hỗ trợ 100% chi phí chữa bệnh cho người lao động. Quy định này áp dụng cho người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp. Mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh không quá 15 triệu đồng, bằng 50% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và chỉ được nhận hỗ trợ một lần trong năm.

Theo Điều 54 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 - 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nhưng, tại Điều 9 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ hằng tuần theo quy định của pháp luật về lao động.

Nghị định mới cũng bỏ điều kiện người sử dụng lao động đã tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định cho phù hợp với thực tế…

Đàm Nguyễn (lược ghi)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.