Xâm nhập mặn và sạt lở ngày càng nghiêm trọng

Thứ Năm, 19/10/2017 | 09:52

Một trong những thiệt hại nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) xảy ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và Bạc Liêu nói riêng là xâm nhập mặn và sạt lở đất, vỡ đê, kè. Mấy năm gần đây, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực ĐBSCL đều bị nước mặn xâm nhập, trong đó có nhiều tỉnh bị mặn xâm nhập nặng nề như Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu... 

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung kiểm tra tình hình sóng biển đánh vỡ đê vào ban đêm tại phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu.

Nhiều trường học ở TX. Giá Rai bị ngập nước do triều cường dâng.

Thi công khắc phục sự cố vỡ kè Gành Hào (huyện Đông Hải). Ảnh: M.Đ

Mặn xâm nhập sâu vào nội đồng

Năm 2015 - 2016, ĐBSCL đối mặt với hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề. Bạc Liêu là tỉnh cuối nguồn nước ngọt của ĐBSCL nên bị ảnh hưởng nặng nhất. Hạn hán và mặn xâm nhập năm 2016 làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. Vụ lúa Tài nguyên 2016, nông dân xã Hưng Hội (huyện Vĩnh Lợi) gần như mất trắng. Ông Trần Ngọc Hiệp (người dân tộc Khmer, ngụ ấp Sóc Đồn, xã Hưng Hội) cho biết: “Mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, thiếu nước ngọt sản xuất nên các trà lúa chết khô”.

Đến thời điểm này, xã Hưng Hội có hơn 1.690ha lúa bị thiệt hại. Trong đó, hơn 1.100ha lúa thiệt hại từ 30 - 70%; hơn 600ha thiệt hại từ 70 - 100%. Hiện nay, máy gặt không cắt được vì lúa lép, đổ ngã nhiều. Bình quân nông dân thiệt hại từ 20 - 25 triệu đồng/ha. Vụ lúa đông xuân 2016 - 2017 và vụ lúa Tài nguyên, cả tỉnh có gần 11.500ha bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung chỉ đạo đắp 54 con đập trên tuyến Ninh Quới - Cầu Sập với kinh phí hơn 2 tỷ đồng để ngăn nước mặn xâm nhập sâu hơn vào nội đồng, bảo vệ an toàn vùng sản xuất lúa của tỉnh. Bên cạnh đó, đối với vùng nuôi tôm, khi cần mở cống để lấy nước mặn vào thì chính quyền thông báo cho nông dân chuẩn bị sẵn phương tiện, máy móc để bơm nước đồng loạt trong thời gian ngắn nhất. Khi đã tích trữ đủ nước thì sẽ cho đóng cống lại ngay. Biện pháp này sẽ ngăn không cho nước mặn có cơ hội tràn vào vùng ngọt.

Sạt lở NGHIÊM trọng

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, khu vực ĐBSCL có 562 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 786km. Tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông ngày càng phức tạp. Nghiêm trọng hơn là tốc độ xói lở đã vượt tốc độ bồi làm diện tích khu vực ĐBSCL giảm khoảng 300ha/năm.

Tại Bạc Liêu, tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông ngày càng tăng. Đầu năm 2017, kè Gành Hào (huyện Đông Hải) bị sạt lở với chiều dài 94m, diện tích sạt lở 940m2, hành lang sau tường kè bị sụp 393m2; dầm đỉnh kè bị gãy hoàn toàn với chiều dài 47m, gây nguy cơ vỡ đê kè rất cao. Sóng biển mạnh đánh tràn qua thân kè gây ngập khá nghiêm trọng, uy hiếp hơn 1.000 hộ dân sinh sống trong khu vực kè.

Còn kè Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) bị sóng biển đánh gây hư hỏng đoạn dầm mũ hắt sóng với chiều dài 24m. Ngoài ra, sạt lở còn làm hai mố cầu Chiên Túp 1 (TP. Bạc Liêu) bị lún sụt mái taluy và lún sụt đường dẫn vào cầu. Một số đoạn sông ở TX. Giá Rai bị sạt lở. Những hộ dân sống trong vùng sạt lở thấp thỏm lo sợ nhà cửa bị trôi tuột xuống sông.

Khu vực ven kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau thuộc địa phận ấp Chùa Phật, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình cũng bị sụt lún, hư hỏng nặng vì dải đất dọc theo công trình bờ kè sạt lở. Gần 100m đường bê-tông ở ấp Chùa Phật (mặt đường rộng 2,5m) bị xé nứt, sụt lún khoảng 1 mét.

Nỗ lực khắc phục

Ngoài những giải pháp cấp bách, Bộ NN&PTNT đã đề xuất hai giải pháp để giải quyết vấn đề trên. Giải pháp trước mắt là nhanh chóng hoàn chỉnh các công trình ngăn mặn; tìm nguồn để xây dựng các công trình ngăn mặn, tích ngọt với số vốn khoảng 34.000 tỷ đồng để giải quyết vấn đề nước ngọt cho đời sống nhân dân, nước cho sản xuất và chăn nuôi. Hướng dẫn người dân khoan lấy nước và tích trữ tối đa nguồn nước ngọt. Đồng thời đưa ra quy trình canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn để ĐBSCL có thể thích ứng với BĐKH, chống chịu được xâm nhập mặn. Đối với những khu vực bị xâm nhập mặn thường xuyên thì chuyển đổi sang nuôi trồng cây - con khác phù hợp. 

Bạc Liêu cũng có nhiều giải pháp khắc phục sạt lở đê biển và sạt lở bờ sông, cửa cống. Theo ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT: “Bạc Liêu đề nghị Bộ NN&PTNT, Chính phủ hỗ trợ kinh phí để sửa chữa kè Gành Hào. Thời gian tới, thiên tai, BĐKH sẽ khắc nghiệt hơn, hạn hán, xâm nhập đã, đang và sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và xảy ra tình trạng thiếu nước mặn cho nuôi tôm, thiếu nước ngọt trồng lúa. Vì vậy, cần phải nạo vét các kênh thủy lợi đảm bảo nước phục vụ sản xuất trồng lúa, nuôi tôm. Để sớm triển khai các công trình kịp thời ứng phó với BĐKH, do kinh phí đầu tư rất lớn nên tỉnh cần nguồn vốn hỗ trợ của Bộ NN&PTN, Chính phủ. Hiện nay, tỉnh đã sửa chữa kè Gành Hào, khắc phục tình trạng sạt lở một số khu vực để bảo vệ cuộc sống, sinh hoạt cho người dân”.

Minh Đạt

Phó giáo sư - Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH - Trường đại học Cần Thơ đánh giá: Sạt lở ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đang gia tăng và chưa có dấu hiệu chững lại. Hầu hết các địa phương bị sạt lở ven sông, ven biển là do ảnh hưởng của BĐKH cũng như sự mất cân bằng hệ thống dòng sông nên tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.