Xây dựng giao thông nông thôn: Còn nhiều hạn chế, bất cập

Thứ Tư, 09/08/2017 | 15:32

Hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) là hạ tầng thiết yếu kết nối vùng nông thôn với các trung tâm hành chính - kinh tế, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng hệ thống GTNT ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, cần sớm được khắc phục, tháo gỡ.

Một trong những cây cầu “bỏ hoang” trên tuyến đường 3/2 (huyện Hồng Dân).

Tuyến đường Xóm Lung - Nhà Mồ (huyện Đông Hải) lầy lội, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân.

Người dân ấp Huy Hết (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) rất khó di chuyển trên con lộ vì nhiều đoạn hư hỏng. Ảnh: C.L

Bất cập về hạ tầng

GTNT là tiêu chí số 2 trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Đây được coi là một trong những tiêu chí khó vì cần huy động nhiều nguồn lực để thực hiện. Vì vậy, sau khi có chủ trương của tỉnh triển khai thực hiện các tiêu chí XDNTM, các địa phương đã đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng các tuyến đường giao thông trên địa bàn nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều tuyến đường GTNT được xây dựng, mang lại bộ mặt mới cho nhiều vùng nông thôn.

Song, trên thực tế không phải nơi nào cũng như vậy. Không ít nơi, việc vận động người dân đóng góp kinh phí, hiến đất xây dựng các tuyến lộ GTNT gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như tuyến lộ Lộc Ninh - Ninh Thạnh Lợi (đường 3/2) ở huyện Hồng Dân (do Sở GT-VT) làm chủ đầu tư. Công trình này khởi công từ năm 2002, nhưng đến nay con đường này vẫn trong tình trạng lầy lội, khiến cho việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do một vài người dân không đồng tình với việc bồi hoàn, giải tỏa nên ngăn cản đơn vị thi công. Điều đáng chú ý ở là hệ thống cầu (hơn 10 cây cầu) trên tuyến đường này đã được thi công gần như hoàn thiện trong khi mặt đường thì chưa làm xong, gây lãng phí không nhỏ nguồn ngân sách. Hiện nay, những hộ trước đây ngăn cản đơn vị thi công đã chấp nhận giao mặt bằng, song địa phương không còn đủ vốn để khởi động lại công trình.

Ông Nguyễn Văn Thới, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết: “Huyện đang tập trung thi công hoàn thành các tuyến đường chính dẫn về trung tâm xã để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân liên hệ làm việc cũng như giúp các xã phát triển kinh tế - xã hội. Còn những tuyến lộ GTNT, huyện vận động người dân đóng góp kinh phí để xây mới cũng như duy tu, sửa chữa những tuyến xuống cấp”.

Ở huyện Đông Hải, người dân sống dọc theo tuyến đường Nhà Mồ - Xóm Lung (thuộc ấp Hiệp Điền và ấp AI, xã Long Điền Đông A) phải ngày ngày đi lại trên còn đường lầy lội, đầy những “ổ gà”, “ổ voi”. Để tránh xảy ra tai nạn, bà con trong ấp cùng nhau mua đá xô bồ đổ lấp tạm bợ những đoạn đường hư hỏng.

Cùng chung cảnh ngộ ấy, người dân ở ấp Huy Hết (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) hàng ngày vẫn phải chịu cảnh “lội nước” trên tuyến lộ giao thông của ấp. Qua đó cho thấy, việc đầu tư, xây dựng các công trình GTNT ở một số địa phương vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong khâu giải tỏa mặt bằng để thi công.

Xây dựng chưa đồng bộ

Theo quy định của bộ tiêu chí quốc gia về XDNTM, đường từ huyện về trung tâm xã phải được trải nhựa hoặc bê-tông hóa với chiều rộng mặt đường tối thiểu là 3m; đường ấp liền ấp, xóm liền xóm phải có chiều rộng mặt đường từ 2,5 - 3m; chiều rộng mặt cầu phải từ 2,5 - 3m để thuận tiện cho ô tô di chuyển. Tuy nhiên, nhiều cây cầu trên các tuyến đường ấp và liên ấp ở nhiều địa phương không đảm bảo thông số này, nên xe ô tô không thể lưu thông.

Điển hình như tuyến đường thuộc ấp Vĩnh Lộc (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) dù mặt đường đã được bê-tông hóa theo chuẩn XDNTM, nhưng cầu trên tuyến đường này vẫn trong tình trạng cũ kỹ, xuống cấp, mặt cầu hư hỏng gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Chị Tạ Thị Loan (ấp Vĩnh Lộc) bộc bạch: “Đường thì làm đã lâu nhưng không thấy chính quyền địa phương xây cầu”.

Còn ở một số nơi, trong quá trình thi công, đơn vị không chú ý đến chiều cao thân cầu so với mực nước sông, nên xây mặt cầu thấp khiến cho việc vận chuyển hàng hóa trên sông của bà con rất khó khăn, tốn nhiều chi phí vận chuyển. Vấn đề này đã được ngành NN&PTNT ghi nhận và hứa sẽ khắc phục.

Xây dựng GTNT không những giúp các địa phương phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội mà còn góp phần nâng cao đời sống dân trí cho bà con ở các vùng nông thôn. Với sự quyết tâm của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và cùng với sự góp sức của nhân dân, tin rằng, kết cấu hạ tầng GTNT ở các địa phương sẽ có những phát triển đột phá trong thời gian tới.

Chí Linh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.