Đồng hành cùng nhà nông

Cơ giới hóa nông nghiệp: Vì sao nông dân chưa mặn mà?

Thứ Hai, 03/10/2016 | 15:54

Thời điểm này, khi nông dân trong tỉnh tập trung thu hoạch dứt điểm lúa hè thu và cải tạo đất xuống giống vụ thu đông thì cũng là lúc cơn “sốt” thuê máy cắt, máy xới bắt đầu. Nhiều nông dân tranh nhau thuê máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa là chuyện khá phổ biến.

Nông dân xã Minh Diệu (huyện Hòa Bình) cải tạo đất chuẩn bị giống vụ lúa thu đông. Ảnh: P.Đ

“CUỘC CHIẾN” GIỮA MÙA THU HOẠCH

Hiện nay, trên đồng ruộng ở các huyện như Phước Long, Hòa Bình, Vĩnh Lợi…, hình ảnh dễ bắt gặp nhất là nông dân thu hoạch lúa. Tính đến thời điểm này, bà con đã thu hoạch được 45.500ha trong tổng số gần 57.200ha lúa vụ hè thu. Tuy nhiên, do thu hoạch đúng vào thời điểm mưa nhiều nên nông dân phải đối mặt với tình trạng thiếu máy gặt đập liên hợp. Nhiều nơi lúa chín vàng đồng nhưng phải để lúa dầm mưa chờ máy cắt. Cụ thể như trường hợp của ông Lâm Tùng ở xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi). Ông Tùng cho biết: “Những ngày này tôi phải chạy đôn chạy đáo tìm thuê máy gặt. Cách đây mấy ngày, vì thiếu máy cắt nên người dân đã tranh nhau dẫn đến cãi vã, thậm chí là xô xát để thu hoạch trước. Song, nhìn lúa chín đầy đồng đến ngày thu hoạch mà không thể cắt, cứ mỗi trận mưa là lúa sập thêm thấy mà xót”.

Tình trạng thiếu máy gặt đập liên hợp trong lúc thu hoạch rộ lúa đã kéo dài nhiều năm nay. Theo ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 240 máy gặt đập liên hợp. Với số máy này chỉ đáp ứng được 34,28% nhu cầu sản xuất của nông dân, phần còn lại phụ thuộc vào máy từ các tỉnh khác đến. Riêng trong vụ hè thu này, giá cắt lúa bằng máy cao hơn những vụ trước. Với mức giá từ 300.000 - 400.000 đồng/công tùy theo mức gãy đổ của lúa, đây thật sự là một gánh nặng chi phí cho nông dân. Đó là chưa kể những ruộng lúa không thể cắt bằng máy gặt đập liên hợp thì sẽ tiêu tốn một khoản lớn hơn cho việc cắt lúa bằng thủ công.

NHIỀU KHÂU SẢN XUẤT VẪN THIẾU MÁY MÓC...

Những trận mưa kéo dài trong mùa thu hoạch còn để lại cho nông dân một hệ lụy là những cánh đồng đầy rơm rạ. Thông thường, máy gặt đập liên hợp sẽ trải rơm rạ khắp mặt ruộng và trong điều kiện thời tiết nắng ráo, nông dân chỉ việc đốt là xong. Tuy nhiên, năm nay nông dân không thể đốt rơm được vì mưa nhiều nước ngập, mà không đốt được rơm thì không thể cải tạo đất. Phần lớn các máy xới hiện nay không đủ sức băm nhỏ rơm rạ trên đồng ruộng nên bà con chỉ còn giải pháp duy nhất là kéo rơm lên bờ. Một số nơi nông dân phải thuê máy hút rơm với mức giá 120.000 đồng/công. Chi phí chồng chi phí, song không phải tìm thuê được những chiếc máy hút rơm là chuyện dễ dàng. Anh Nguyễn Văn Kiếm (ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình) nói: “Không xử lý rơm rạ tốt thì lúa dễ bị ngộ độc hữu cơ lắm”.

Theo ông Huỳnh Thanh Sơn, Trưởng phòng Chính sách Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: “Trong một số khâu như làm đất, chăm sóc… thì số lượng máy móc cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Những loại máy như máy cày, máy xới nhỏ, bình phun thuốc trừ sâu thì bà con có thể tự trang bị. Tuy nhiên, nhiều khâu chúng ta vẫn còn thiếu máy móc, cụ thể như khâu gieo cấy phần lớn chỉ làm thủ công. Đến giai đoạn này, chúng ta chỉ thí điểm được vài máy cấy và sạ hàng, nhưng nông dân cũng không tha thiết vì tính ứng dụng phổ biến chưa cao. Phần lớn trang thiết bị máy móc nông nghiệp hiện nay đều phải nhập từ nước ngoài nên nông dân còn ngại đầu tư vì chi phí quá lớn”. Là một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, thiết nghĩ các địa phương cần tập trung phát triển các tổ hợp tác, HTX làm dịch vụ nông nghiệp. Mạnh dạn hỗ trợ vốn vay cho các HTX, hoặc tổ hợp tác để đầu tư vào lĩnh vực cơ giới hóa. Bởi nông dân không thể tự trang bị tất cả các loại máy móc cho các công đoạn từ trên đồng ruộng đến khi sản phẩm thu hoạch bán cho thương lái.

PHẠM ĐOÀN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.