Đồng hành cùng nhà nông

Huyện Hồng Dân: Nông dân lo lắng vì lúa bị xâm nhập mặn

Thứ Hai, 12/12/2016 | 15:57

Vụ lúa trên đất tôm ở huyện Hồng Dân năm nay, nước mặn tràn về giữa lúc lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông. Ngoài ra, nhiều nơi, lúa đông xuân sớm của bà con phải xuống giống trễ vụ do mưa gây ngập úng. Việc điều tiết nước bảo vệ sản xuất là một bài toán khó, đầy thách thức đang đặt ra cho ngành chức năng.

Nông dân Quách Văn Dự (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân) đang chờ nước rút để xuống giống vụ lúa đông xuân. Ảnh: P.Đ

Những diện tích lúa trên đất nuôi tôm ở huyện Hồng Dân đang đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn từ những đợt triều cường biển Đông đổ về. Ông Huỳnh Văn Phó (xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân) cho rằng: “Khoảng 5 năm nay, nhà tôi trồng 4ha lúa trên đất tôm bằng giống Một bụi đỏ. Nhìn chung, nhờ thời tiết thuận lợi nên lúa phát triển khá tốt. Tuy nhiên, năm nay, lo lắng lớn nhất của tôi cũng như bà con ở đây là nước mặn về quá sớm. Nếu từ nay đến cuối vụ mà xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt thì nguy cơ mất mùa rất cao”.

Thời điểm này, độ mặn đo được trên sông ở xã Ninh Thạnh Lợi A, khu vực tiếp giáp Kiên Giang, Cà Mau dao động từ 2 - 3%o. Với độ mặn trên, hơn 20.100ha lúa trên đất tôm của huyện đang có nguy cơ bị đe dọa xâm nhập mặn. Qua đó cho thấy, việc điều tiết nước ở vùng chuyển đổi vốn đã khó khăn, nay nước mặn về sớm nên gây nhiều khó khăn hơn.

Trong khi nước mặn đe dọa lúa trên đất tôm thì nông dân phải chờ và xuống giống trễ hơn 9.000ha lúa đông xuân sớm ở huyện Hồng Dân. Bà con vùng tam giác Tha-na-rộn (thuộc các xã Ninh Quới A, Ninh Quới, Ninh Hòa…) đang tích cực be bờ, bơm tát nước để xuống giống. Còn nếu mạo hiểm xuống giống trước thì phải chấp nhận cảnh lúa chết, như trường hợp ông Quách Văn Dự (xã Ninh Quới). Theo ông Dự: “Năm nay, do mưa kéo dài nên đồng ruộng ở đây bị ngập. Lần trước tôi sạ 15 công lúa nhưng lúa chết rất nhiều. Vì vậy, bà con ở đây phải xuống giống trễ gần 1 tháng so với các năm trước. Xuống giống trễ thì lúa chín trễ và chuyện gặp hạn, mặn cuối mùa là khó tránh khỏi’.

Trước thực trạng trên, huyện Hồng Dân đã có giải pháp giúp bà con chủ động ngăn mặn trữ ngọt bảo vệ lúa trên đất tôm. Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, cho biết: “Giải pháp cấp thiết hiện nay là huyện đã triển khai đắp hệ thống đập, gồm 16 đập đất. Các đập này đã ngăn nước mặn xâm nhập, bảo vệ lúa cho bà con. Đồng thời, đơn vị cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi độ mặn ở các vùng giáp ranh và các tuyến kênh để kịp thời có giải pháp ứng phó. Từ đầu năm đến nay, Phòng NN&PTNT huyện đã mở hơn 60 lớp tập huấn cho nông dân về các giải pháp chống xâm nhập mặn. Tuy nhiên, những giải pháp trên cũng chỉ mang tính tạm thời. Về lâu dài, địa phương vẫn cần được đầu tư để xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi”.

Cùng với việc đắp các đập ngăn mặn và bơm tát nước để bà con xuống giống, huyện còn cấp máy đo độ mặn cho các xã để chủ động theo dõi độ mặn trên các sông. Việc nạo vét các tuyến kênh nội đồng để trữ nước và dẫn nước ngọt trong mùa khô cũng được đẩy mạnh.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng - thủy văn, ở khu vực Bạc Liêu vào tháng 11 và tháng 12 (âm lịch) năm nay sẽ có một số đợt triều cường mạnh trên biển Đông. Đồng thời mực nước thượng nguồn sông Mê Kông trong những tháng tiếp theo sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm, xâm nhập mặn mùa khô năm 2016 - 2017 sẽ đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Do đó, nông dân cần thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến thủy văn để chủ động đối phó với hạn mặn, bảo vệ vụ lúa.

PHẠM ĐOÀN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.