Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Thực hiện Nghị quyết về phát triển KH-CN, bảo vệ môi trường và ứng phó chống biến đổi khí hậu: Những thách thức phía trước

Thứ Hai, 03/07/2017 | 15:59

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 20 và Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ (KH-CN), bảo vệ môi trường, ứng phó chống biến đổi khí hậu, Bạc Liêu đã xây dựng được những nền tảng quan trọng để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước cũng như hỗ trợ đắc lực cho quá trình phát triển bền vững của tỉnh. Tuy nhiên với những vấn đề đặt ra từ thực tại khách quan, Bạc Liêu sẽ còn phải đối mặt nhiều thách thức, khó khăn hơn ở phía trước trên những lĩnh vực này.

Đoàn công tác liên Bộ, ngành Trung ương tham quan mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ sinh học của Công ty Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu). Ảnh: H.L

ỨNG DỤNG KH-CN VÀO SẢN XUẤT

Đây là lĩnh vực được lãnh đạo kịp thời với Chỉ thị của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh ban hành ngay sau khi có Nghị quyết 20 (khóa XI) của Trung ương về phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH. Và sau đó các cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và đưa các nội dung, chỉ tiêu cụ thể về khoa học và công nghệ vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương, đơn vị. Theo đánh giá của Tỉnh ủy, 5 năm qua, việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất và đời sống đã mang lại hiệu quả khá, từng bước nâng cao trình độ công nghệ trong một số ngành sản xuất, kinh doanh, quản lý. Nhiều dự án KH-CN được triển khai, nhân rộng một số mô hình sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, góp phần nâng cao năng suất lao động. Tỉnh cũng hỗ trợ các doanh nghệp, người dân tiếp cận được với các tiến bộ KH-CN trong sản xuất thông qua việc chuyển giao công nghệ từ các viện, trường.

Tuy nhiên với sự đầu tư kinh phí cho KH-CN còn thấp, chưa tập trung vào giải quyết các vấn đề trọng điểm, chưa tạo lập được cơ chế, chính sách, tạo nguồn kinh phí cho nhân rộng các kết quả nghiên cứu, các mô hình sản xuất đã được thử nghiệm thành công nên trình độ KH-CN trên nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp còn hạn chế. Năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm vì thế cũng chưa cao.

VẤT VẢ ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Là địa phương bị tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu nên thời gian qua tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều chủ trương, chính sách cũng như không ít tiền bạc, công sức để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đã có nhiều sự chuyển biến tích cực trong nhận thức lẫn hành động của các cấp ủy, chính quyền trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Công tác thu gom rác thải được thực hiện khá tốt, các công trình xử lý rác sinh hoạt cũng đang gấp rút xây dựng để đưa vào hoạt động. Các biện pháp khắc phục sạt lở kè, chống xâm nhập mặn cũng như tìm kiếm các mô hình sản xuất phù hợp được tích cực triển khai. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sức ép từ biến đổi khí hậu với những biểu hiện như triều cường xuất hiện ngày một gia tăng cả về quy mô lẫn cấp độ, hiện tượng xói lở, sụt lún đất ven biển, ven sông xảy ra nhiều nơi, gây thiệt hại lớn cho tỉnh, các đợt hạn hán, xâm nhập mặn… là những thách thức ngày càng lớn với tỉnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Do khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư thực hiện các công trình nên các giải pháp thực hiện của tỉnh dù rất quyết liệt nhưng vẫn chưa giải quyết một cách triệt để vấn đề.

Phát triển KH-CN cùng hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là những lĩnh vực gắn chặt với sự phát triển bền vững của địa phương. Vì vậy, ngoài nguồn lực của tỉnh, thiết nghĩ sự hỗ trợ từ Trung ương cùng các bộ ngành là rất quan trọng để tỉnh giải quyết được những thách thức đặt ra.

THANH LÂM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.