Giảm nghèo - Việc làm

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm năm 2020:​ Cần đột phá và bền vững

Thứ Hai, 02/03/2020 | 15:31

Có thể nói, một trong những thành tựu đạt được trong năm qua chính là Bạc Liêu đã tập trung làm tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Qua đó, góp phần quan trọng vào thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế.

Thực hành nghề sản xuất nông nghiệp (ghép cành) tại Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu.

GẮN ĐÀO TẠO VỚI ĐẦU RA

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh về dồn lực cho năm “nước rút”, ngành LĐ-TB&XH tỉnh đã tích cực phối - kết hợp với các ngành, địa phương làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm (ĐTN-GQVL).

Với việc triển khai nhiều giải pháp về tuyên truyền, đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo và phát huy vai trò của sàn giao dịch việc làm nên công tác ĐTN-GQVL thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, năm qua đã tổ chức đào tạo nghề thông qua nhiều hình thức cho 38.538 lao động, đạt 101,4% kế hoạch năm. Trong đó, đào tạo từ trình độ cao đẳng đến sơ cấp 3.769 người; dạy nghề dưới 3 tháng và các hình thức đào tạo khác 34.305 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,17%. Đồng thời giải quyết việc làm mới cho 24.590 lao động, đạt 136,61% kế hoạch năm, tăng 0,04% so với năm 2018.

Để đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên, cùng với việc tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các trường, chất lượng đào tạo cũng được tập trung cải tiến, nâng cao. Đơn cử, các trường dạy nghề đã chủ động xây dựng, biên soạn chương trình, giáo trình đào tạo theo hướng tiếp cận chuẩn đầu ra, chú trọng đào tạo về kỹ năng nghề nghiệp cho người học, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu thị trường lao động và đơn đặt hàng của các doanh nghiệp tuyển dụng. Đặc biệt, các trường cao đẳng đã liên kết, hợp tác với doanh nghiệp tổ chức cho sinh viên thực tập tại các công ty và các công ty này sẽ tuyển dụng sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Điển hình như Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu đã đưa sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, công nghiệp điện và 90% sinh viên sau thực tập đều có việc làm.

Cùng với đào tạo nghề tại các trường và tổ chức các lớp tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các địa phương còn khuyến khích người dân tham gia các hình thức đào tạo khác như: truyền nghề, đào tạo lại, đào tạo bổ sung thêm kiến thức hoặc tay nghề trước kia chưa được đào tạo… Qua đó, giúp cho người lao động có việc làm ổn định và thích ứng với công việc, yêu cầu, điều kiện, môi trường làm việc mới. 

Một giải pháp quan trọng khác cũng góp phần thực hiện tốt và vượt kế hoạch giải quyết việc làm cho người lao động trong năm qua chính là Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã phối - kết hợp với các ngành, địa phương và doanh nghiệp làm tốt công tác tư vấn, giới thiệu việc làm. Theo đó, đơn vị này đã tích cực tổ chức điều tra, thu thập thông tin cung - cầu lao động; sau đó, tổ chức phân tích, dự báo thị trường lao động và xây dựng kế hoạch cung cấp thông tin thị trường lao động cho người lao động và doanh nghiệp thông qua các sàn giao dịch việc làm. Năm qua đã có 266 tổ chức, cá nhân đăng ký tuyển dụng lao động trực tiếp tại Trung tâm; 37 công ty, doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng và 39 hồ sơ đăng ký tìm việc qua website; ký hợp đồng cung ứng lao động với 2 công ty ngoài tỉnh và 5 công ty xuất khẩu lao động…

Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn tư vấn, tuyên truyền và tổ chức sàn giao dịch tại 100% các xã, phường trên địa bàn tỉnh.

Tư vấn giới thiệu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ảnh: K.T

CẦN THÁO GỠ NHIỀU “NÚT THẮT”

Công tác ĐTN-GQVL thời gian qua tuy đạt nhiều kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn hàng loạt những “nút thắt” cần được ngành quản lý tập trung tháo gỡ, nhằm khai thác, phát huy lợi thế của “dân số vàng”.

Một trong những “nút thắt” ấy chính là công tác tuyên truyền và các hình thức tư vấn vẫn chưa đủ sức để làm thay đổi nhận thức của người lao động. Tại hội nghị đối thoại giữa UBND tỉnh và các doanh nghiệp, nhiều đại biểu khẳng định rằng: “Doanh nghiệp Bạc Liêu luôn cần lao động, nhưng lại rất khó tuyển dụng lao động. Bởi trình độ của người lao động không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, còn những lao động đáp ứng được nhu cầu thì không muốn làm thợ mà chỉ muốn làm thầy”.

Chính bất cập này mà doanh nghiệp của tỉnh luôn trong tình trạng “khát” lao động, nhưng lao động của tỉnh lại thay nhau bỏ xứ đi tỉnh ngoài làm thuê. Cụ thể năm 2019, số lao động được giải quyết việc làm trong tỉnh chỉ có hơn 5.600 người, còn lao động đi kiếm sống ngoài tỉnh là 18.989 người. Từ con số này cho thấy, tỷ lệ lao động được giải quyết việc làm tại địa phương chỉ chiếm khoảng 23% tổng số lao động được giải quyết việc làm.

Đây không chỉ là việc “chảy máu” nguồn nhân lực, mà còn là vấn đề xã hội nhức nhối. Đặc biệt là lao động của địa phương đi làm ngoài tỉnh luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, do phần lớn họ bị xếp vào nhóm lao động công nhật, không được các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ về BHXH, BHYT; và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp luôn chực chờ. Như trường hợp của ông Võ Văn Giàu (phường 5, TP. Bạc Liêu) đi lao động ở tỉnh Long An, bị máy cắt gỗ cắt hết cả phần thịt ở chân phải nằm viện và mổ nhiều lần, gia đình ông lại thuộc diện nghèo khó. Vợ ông - bà Đặng Thái Huyền Trang - cho biết: “Ngoài tấm thẻ BHYT ra thì gần như không có gì nên tôi phải vay mượn tiền khắp nơi để lo cho chồng. Bác sĩ nói nếu chồng tôi có bình phục cũng bị tật nguyền, đi lại sẽ rất khó khăn trong khi mọi thu nhập của gia đình đều nhờ vào chồng tôi. Hiện nay tôi đang chờ xem doanh nghiệp có hỗ trợ gì không, bởi nghe nói khi đi làm người lao động có sổ BHXH và sẽ được hỗ trợ tiền khi bị tai nạn. Nhưng khi hỏi doanh nghiệp thì họ bảo không có tham gia BHXH”.

Trên thực tế có rất nhiều trường hợp như thế và họ thật sự trở thành gánh nặng cho xã hội trong giải quyết các chính sách an sinh. Do vậy, việc nghiên cứu và tập trung giải quyết tốt bài toán lao động tại địa phương không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, mà còn là mục tiêu mang tính chiến lược cho một Bạc Liêu đang tập trung xây dựng các “trụ cột” mà nguồn nhân lực chính là giải pháp hàng đầu để thực hiện thắng lợi các trụ cột đó.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, ngoài Trường đại học Bạc Liêu và các trường cao đẳng, phần lớn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay đều có quy mô nhỏ, thiết bị đào tạo còn lạc hậu và chưa đáp ứng với yêu cầu đào tạo theo chương trình, giáo trình, phương pháp mới; việc tuyển sinh mới trình độ cao đẳng, trung cấp còn khó khăn. Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa thật sự hợp lý và đáp ứng yêu cầu phát triển; chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên, ngắn hạn (chiếm trên 90%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt còn thấp; lao động nông thôn sau đào tạo chủ yếu phục vụ sản xuất, chăn nuôi tại hộ gia đình chứ chưa tham gia sản xuất hàng hóa lớn để giải quyết việc làm thường xuyên cho họ…

Với những bất cập trên, công tác ĐTN-GQVL cần những “cú hích” mang tính chiến lược và bền vững hơn, nhằm góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và thực hiện có hiệu quả công tác an sinh xã hội.

LƯ DŨNG

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu ĐTN-GQVL

Theo kế hoạch ĐTN-GQVL năm 2020, Bạc Liêu sẽ phấn đấu thực hiện hoàn hành các chỉ tiêu sau:

- Lao động qua đào tạo 32.000 người; trong đó, sơ cấp nghề, dạy nghề dưới 3 tháng, truyền nghề 29.000 người, đào tạo ở các cấp trình độ trung cấp, cao đẳng, kể cả đại học là 3.000 học sinh, sinh viên. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63% (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ 23,97%). Lao động qua đào tạo có việc làm, tự tạo việc làm đạt 85% trở lên.

- Giải quyết việc làm trong và ngoài tỉnh 18.000 lao động.

- Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 300 người.

Để thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu này, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp như:

- Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường chỉ đạo triển khai, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đối với công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN), việc làm và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; xây dựng văn bản chỉ đạo, định hướng cụ thể và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện trên từng lĩnh vực.

Đầu tư từ ngân sách nhà nước và đẩy mạnh thu hút xã hội hóa trong đầu tư và hoạt động GDNN nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo hiện đại, phù hợp với các ngành nghề đào tạo, nhất là ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc gia và ASEAN. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, giáo viên đạt chuẩn về nhà giáo GDNN và đủ năng lực đào tạo theo chương trình, giáo trình và phương thức mới, nhất là đào tạo theo chuẩn đầu ra và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, gắn với đảm bảo hệ thống kiểm định, đánh giá chất lượng GDNN.

Huy động doanh nghiệp tham gia các hoạt động GDNN; mở rộng thực hiện cơ chế đào tạo theo hợp đồng hoặc đặt hàng giữa doanh nghiệp với cơ sở GDNN; đồng thời, có chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng, tay nghề cho người lao động. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn. Phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo theo chỉ tiêu đề ra (63%).

Thực hiện tốt chính sách, giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm gắn với nâng cao chất lượng việc làm cho người lao động thông qua các chương trình, dự án và kết nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở dịch vụ việc làm với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp. Tăng cường hoạt động hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.