Giáo dục - Học Đường

Áp lực từ các cuộc thi

Thứ Tư, 07/03/2018 | 16:31

Không thể phủ nhận những lợi ích mà các cuộc thi mang lại cho học sinh (HS) và giáo viên (GV) tỉnh nhà. Từ những sân chơi này, thầy và trò các trường, các bậc học được tự tin thể hiện sở trường, năng khiếu bản thân trên tất cả các lĩnh vực và có thể xuất sắc mang về cho bản thân, đơn vị những thành tích đáng tự hào. Tuy nhiên, áp lực và những phiền toái mà các cuộc thi này mang lại cũng không hề nhỏ!

Trẻ mầm non ở TP. Bạc Liêu tham gia hội thi “Bé vui với trò chơi Kidsmart ”. Ảnh: Đ.K.C

“Không khéo bọn trẻ sẽ… khùng” mất!”

Chị N.T.L.A (phường 8, TP. Bạc Liêu) bày tỏ bức xúc, số là, gần 12 giờ khuya cô con gái  đang học lớp 9 của chị mới rời chiếc máy vi tính với gương mặt phờ phạc vì phải luyện thi Vật lý qua mạng Internet. Khổ nỗi, cháu là dân chuyên Văn, nay bị “ép” phải tham gia thi Vật lý cho đủ chỉ tiêu của lớp thì có khác nào một “cực hình”! Mỗi ngày nhìn con “gồng mình” chịu đựng lịch học chính khóa, học thêm, học năng khiếu, rồi tham gia ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nay lại phải “trân mình” tham gia các cuộc thi qua mạng và nhiều cuộc thi “đến hẹn lại lên” khác nữa, chị (và rất nhiều phụ huynh khác) không khỏi xót xa: “Học hành, thi cử kiểu này không khéo bọn trẻ sẽ… khùng mất!”.

Nghỉ tết, vào học kỳ mới không lâu, nhiều phụ huynh của các trẻ lớp Lá đã tất tả giúp con “tầm sư học đạo”. Mặc dù rất xót con, nhưng không thể nào nhắm mắt làm ngơ, để con mình học hành “thuận theo tự nhiên” trong khi bạn bè đồng trang lứa của con đã bắt đầu biết viết chữ, ghép vần. Nếu bỏ mặc thì không khéo con mình sẽ “tụt hậu” khi vào lớp 1. Thế là cuộc đua cho con học chữ từ lớp Lá, thậm chí lớp Chồi ngày càng quyết liệt hơn. Chỉ tội những đứa trẻ đang phải gồng gánh chuyện học hành, thi cử khi tuổi đời còn quá nhỏ!

Theo nhẩm tính của GV một trường THCS trên địa bàn TP. Bạc Liêu, từ đầu năm học đến nay, thầy và trò của trường đã trải qua hơn 40 cuộc thi lớn, nhỏ các cấp. Khỏi nói cũng biết, đơn vị này áp lực và căng thẳng đến mức nào! Ngoài công việc chuyên môn ở trường, hoàn thành tốt công tác chủ nhiệm, tham gia các lớp tập huấn để nâng cao tay nghề, đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp tình hình mới…, GV nhiều đơn vị còn cùng một lúc phải đảm nhiệm quá nhiều trọng trách nặng nề khác nữa! Và mỗi lần có cuộc thi nào diễn ra (dù lớn hay nhỏ) thì gần như họ lại phải “mất ăn mất ngủ” vì lo lắng! Đó là còn chưa kể vào những đợt cao điểm có khi trong vòng 1 tháng đã phải tham gia gần 10 cuộc thi!

Nhưng biết làm sao được khi chất lượng giáo dục của một đơn vị nào đó lại được đánh giá, xếp loại trực tiếp thông qua các cuộc thi. Áp lực kia lại càng lớn khi các trường “đinh”, trường “điểm” vì phải nỗ lực duy trì thứ hạng cao trên bảng xếp hạng các trường tốp đầu về giáo dục của tỉnh. Và vô hình trung, áp lực ấy lại “đổ” lên đầu HS và GV.

Đừng tinh giảm “nửa vời”!

Để giảm bớt áp lực học hành, thi cử cho HS, GV, Bộ GD-ĐT đã có Công văn 1915 chỉ đạo tinh giảm các cuộc thi cấp quốc gia; chỉ chọn một số cuộc thi cơ bản gắn với nhiệm vụ chính trị của ngành để chỉ đạo tổ chức. Đồng thời, điều chỉnh chính sách đối với người dự thi; không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với các địa phương, đơn vị.

Đối với các cuộc thi dành cho HS và GV tại địa phương, Bộ yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ tổ chức một số cuộc thi gắn liền với hoạt động dạy và học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của HS và GV. Không yêu cầu các trường tổ chức đội tuyển, không xét giải tập thể và không lấy thành tích cuộc thi để xét thi đua đối với đơn vị tham gia.

Hình thức tổ chức cuộc thi phải bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả; HS và GV được tham gia một cách tự nguyện, miễn phí. Bộ khuyến khích hình thức thi trực tuyến để thu hút đông đảo HS, GV tham gia. Tuy nhiên, các cuộc thi trực tuyến phải có giải pháp bảo đảm mỗi HS, GV có duy nhất tài khoản do nhà trường xác nhận và quản lý, để tránh gian lận.

Từ năm học 2017 - 2018, các sở GD-ĐT cả nước không được lấy kết quả cuộc thi do sở tổ chức hoặc kết quả từ các cuộc thi quốc tế do sở cử đi tham gia vào việc đánh giá kết quả học tập của HS. Từ năm học 2018 - 2019, các sở GD-ĐT không được sử dụng kết quả này để tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp. Bộ GD-ĐT cũng sẽ không cấp xác nhận thành tích của GV, HS được sở cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế.

Đồng thời, Bộ còn có thông tin sẽ tạm dừng việc tổ chức thi giải Toán, Tiếng Anh, Vật lý qua mạng Internet (Violympic) từ năm học 2017 - 2018. Thế nhưng, từ 8 giờ ngày 5/9/2017 vòng thi đầu tiên của Violympic năm học 2017 - 2018 đã chính thức được mở trên toàn quốc. Và theo thông báo từ Ban tổ chức, cuộc thi Violympic Toán tiếng Việt vẫn có 19 vòng thi, với 11 vòng thi tự do, 3 vòng cấp trường, 2 vòng cấp quận/huyện, 2 vòng cấp tỉnh/thành phố và vòng thi cấp quốc gia (vòng 19) dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 13/4/2018. Đối với 2 môn thi Toán tiếng Anh và Vật lý, đều gồm có 10 vòng thi (6 vòng thi tự do cùng 4 vòng thi chính thức các cấp: trường, quận/huyện, tỉnh/thành phố và quốc gia), theo lịch thi dự kiến cho năm học 2017 - 2018, vòng thi quốc gia Violympic nội dung thi Toán tiếng Anh và Vật lý cũng sẽ diễn ra trong ngày 13/4/2018. Lý giải về sự “bất hợp lý” này, người ta vin vào cớ Bộ GD-ĐT chỉ đạo dừng tổ chức thi qua mạng nhưng lại khuyến khích hình thức thi trực tuyến?!

Vẫn biết rằng học hành, thi cử sẽ giúp học trò trưởng thành hơn, năng động hơn và tích lũy được nhiều kiến thức hay, những trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, đã đến lúc những người có trách nhiệm nên cân nhắc, “gạn đục khơi trong” để chọn ra những cuộc thi thật sự cần thiết và cần nghiên cứu lại việc bố trí thời gian sao cho hợp lý để vừa giảm áp lực, vừa kích thích các em hăng say hơn với những cuộc thi dành cho riêng mình!

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.