Giáo dục - Học Đường

Bạc Liêu: Sẵn sàng tâm thế thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Thứ Sáu, 08/11/2019 | 16:34

Cùng với các địa phương trên cả nước, Bạc Liêu đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM) theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh nhà. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc mà tỉnh cần tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lâm Thị Sang (Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tỉnh) phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Chuẩn bị chu đáo các điều kiện

CTGDPTM được Bộ GD-ĐT công bố ngày 27/12/2018. Theo đó, chương trình sẽ áp dụng cho lớp 1 từ năm học 2020 - 2021; lớp 2, lớp 6 từ năm học 2021 - 2022; lớp 3, lớp 7 và lớp 10 từ năm học 2022 - 2023; lớp 4, lớp 8 và lớp 11 từ năm học 2023 - 2024; từ năm học 2024 - 2025 áp dụng cho lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Theo chương trình này, giáo dục (GD) cấp tiểu học gồm 11 môn học và hoạt động GD bắt buộc; GD THCS gồm 12 môn học và hoạt động GD bắt buộc; GD THPT gồm 7 môn học và hoạt động GD bắt buộc.

CTGDPTM vừa kế thừa, phát triển những ưu điểm, vừa khắc phục những hạn chế của chương trình hiện hành. Bởi với mô hình GD hiện nay, kiến thức vừa là chất liệu đầu vào, vừa là kết quả đầu ra của quá trình GD. Vì vậy, học sinh phải học và ghi nhớ rất nhiều, nhưng khả năng vận dụng vào đời sống thì hạn chế. Theo cách tiếp cận mới, GD không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả, sáng tạo kiến thức đã học. Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung, phương pháp và đánh giá kết quả GD. Bên cạnh đó, chương trình mới cũng khắc phục hạn chế trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh bằng cách phân biệt rõ hai giai đoạn: GD cơ bản (từ lớp 1 - 9) và GD định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 - 12).

Để theo dõi sát sao, giải quyết kịp thời những tình huống phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1690 thành lập Ban chỉ đạo Đổi mới chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông tỉnh, với 22 thành viên, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lâm Thị Sang làm Trưởng Ban.

Trước đó, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 109 về triển khai thực hiện CTGDPTM trên địa bàn tỉnh với các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để thực hiện một cách hiệu quả. Đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện đổi mới CTGDPTM; chuẩn bị đội ngũ để thực hiện; sắp xếp mạng lưới trường lớp, chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kinh phí đủ sức đáp ứng yêu cầu thực hiện CTGDPTM; thực hiện đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá. Trong đó, tập trung tổ chức biên soạn tài liệu GD địa phương; thực hiện có hiệu quả việc xây dựng kế hoạch GD nhà trường; tăng cường công tác chỉ đạo, đổi mới quản lý hoạt động dạy học…

Sở GD-KH&CN đã chọn cử nhiều cán bộ quản lý cơ sở GD phổ thông, giáo viên cốt cán tham gia khóa tập huấn do Bộ GD-ĐT chủ trì. Và cuối tháng 11 đến giữa tháng 12/2019, Sở sẽ triển khai bồi dưỡng giáo viên phổ thông đại trà thực hiện CTGDPTM theo mô-đun bồi dưỡng 1 “Hướng dẫn thực hiện CTGDPT năm 2018”.

 Ngành Giáo dục TX. Giá Rai đã sẵn sàng cho thực hiện đổi mới CTGDPTM. Trong ảnh: Giờ học của cô trò Trường tiểu học Phong Thạnh Tây A. Ảnh: Đ.K.C

Vẫn còn nhiều thách thức

Phát biểu tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lâm Thị Sang bày tỏ băn khoăn: “Dù chúng ta đã có bước chuẩn bị khá lâu, cảm thấy rất yên tâm, hài lòng khi xắn tay vào thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo lộ trình của Bộ GD-ĐT nhưng tôi vẫn cảm thấy rất lo lắng. Thứ nhất, sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương hiện nay như thế nào? Thứ hai, chúng ta đã chuẩn bị hệ thống, cơ sở vật chất, trang thiết bị, trường lớp… cho việc triển khai ra sao? Năm học 2020 - 2021 sẽ bắt đầu thực hiện cho đổi mới chương trình lớp 1, nhưng hiện nay ngành GD vẫn chưa khái toán được tổng kinh phí cho việc thực hiện chương trình đổi mới…”.

Theo chia sẻ của lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, ngành GD, cái khó lớn nhất mà các địa phương phải đối mặt chính là việc thiếu các phòng học, phòng chức năng khi thực hiện dạy học 2 buổi/ngày; tình trạng thiếu giáo viên cơ hữu, giáo viên cục bộ các bộ môn như: Ngoại ngữ, Tin học, Giáo dục công dân, Sinh học… vẫn còn diễn ra nhưng ngành GD vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế; trang thiết bị, đồ dùng phục vụ giảng dạy và học tập còn nhiều hạn chế. Một số địa phương vẫn còn nhiều phòng học cấp 4 đã xuống cấp, hư hỏng, một số địa phương thì còn tồn tại nhiều điểm lẻ… Đây sẽ là những thách thức, rào cản rất lớn khi bắt tay thực hiện chương trình.

Bởi vậy, thời gian tới tỉnh cần có sự chuẩn bị thật dài hơi, chủ động hơn nữa trong việc dự báo các tình huống sẽ phát sinh trong quá trình thực hiện. Riêng ngành GD phải rà soát lại thật kỹ về số lượng phòng học, phòng chức năng trong toàn tỉnh để từ đó có báo cáo cụ thể trình UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn kinh phí cho giai đoạn 2021 - 2025. Việc mua sắm trang thiết bị giảng dạy phục vụ chương trình mới, đặc biệt là bộ môn Tin học, Ngoại ngữ, công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên… phải được ưu tiên hàng đầu.

Song song đó, các địa phương phải nhanh chóng xây dựng kế hoạch triển khai CTGDPTM trên địa bàn mình, phấn đấu làm sao trong quá trình thực hiện không làm thay đổi kết quả mà ngành GD tỉnh đạt được trong những năm qua.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.