Giáo dục - Học Đường

Bộ GD-ĐT: Bỏ quy định đuổi học sau hơn 30 năm

Thứ Hai, 14/09/2020 | 17:48

Theo dự thảo thông tư mới đang xây dựng, Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ hình thức kỷ luật đuổi học 1 năm đối với học sinh. Thay vào đó, mức kỷ luật cao nhất đối với học sinh mắc khuyết điểm chỉ là “tạm dừng học tập trên lớp”.

Các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, tạm dừng học tập trên lớp dự kiến sẽ không được áp dụng đối với học sinh tiểu học. Ảnh minh họa: C.K

Nói về dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra để xin ý kiến dư luận, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh - sinh viên, cho rằng việc kỷ luật học sinh là bất đắc dĩ. “Tuy nhiên, do nhiều yếu tố như sự tác động của xã hội, cá tính hay nhận thức non nớt của học sinh mà có thể dẫn tới vi phạm quy định pháp luật. Vì vậy, việc kỷ luật nhằm giúp học sinh có thể nhận ra khuyết điểm và tự khắc phục”, ông Linh cho biết.

“Trước đây, trong thời gian đuổi học, học sinh không đến trường nên có thể chán nản, sa vào tệ nạn, chơi điện tử… Do đó, dự thảo thông tư mới thay việc “đuổi học” bằng “tạm dừng học tập trên lớp” và chỉ tối đa 2 tuần. Dự kiến mức kỷ luật tạm dừng đến lớp tối đa 2 tuần là do liên quan đến quy định mỗi năm học sinh không nghỉ học quá 45 ngày, theo Điều lệ trường THCS và trường THPT hiện nay. Ngoài ra, trong thời gian này học sinh có thể thực hiện kế hoạch giáo dục tại nhà trường, gia đình hoặc cộng đồng dân cư dưới sự giám sát, hỗ trợ của giáo viên và gia đình”, ông Linh phân tích.

Đặc biệt, dự thảo yêu cầu không sử dụng các biện pháp xử lý kỷ luật theo hướng bạo lực, xúc phạm danh dự học sinh... Trong dự thảo cũng không còn quy định việc tổ chức kiểm điểm, phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường.

Điểm đáng lưu ý nữa là các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, tạm dừng học tập trên lớp dự kiến sẽ không được áp dụng đối với học sinh tiểu học. Thay vào đó, ở cấp học này sẽ chỉ sử dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực. Đây là một điểm rất nhân văn của dự thảo thông tư lần này. Ngoài ra, học sinh cũng có thể khiếu nại lên hội đồng kỷ luật nhà trường về hình thức xử lý kỷ luật. Việc này thể hiện và đảm bảo sự dân chủ trong trường học.

Bà Nguyễn Hồng Thuận, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhận xét dự thảo thông tư này thể hiện tính mở khi có sự tham gia và đồng thuận của các bên liên quan như học sinh, phụ huynh.

Đặc biệt, dự thảo thông tư rất hạn chế việc công bố công khai hình thức kỷ luật trước tập thể. “Bởi điều này gây mất lòng tin và định kiến đối với các học sinh bị kỷ luật trong mối quan hệ giữa thầy cô và bạn bè. Do đó cũng rất cần hạn chế”, bà Thuận nói. Trên cơ sở của thông tư khi ban hành, theo bà Thuận, các nhà trường và giáo viên có thể phát triển quy định này thành kế hoạch giáo dục.

Bà Thuận giải thích thêm hiện nay có quy định đuổi học nhưng dự thảo thông tư mới chỉ yêu cầu tạm dừng học tập trên lớp. “Quãng thời gian tạm cách ly với các bạn trên lớp là cần thiết để các em tự suy nghĩ, nhận ra những lỗi của mình. Nhưng đồng thời, học sinh vẫn sẽ theo kế hoạch giáo dục tại nhà trường, gia đình hoặc cộng đồng dưới sự giám sát của giáo viên và gia đình”.

Tuy nhiên, học sinh sau kỷ luật nếu tái phạm có thể tiếp tục chịu phạt. Không loại trừ trường hợp trong một năm học, một học sinh nào đó có thể vi phạm nhiều lần và phải tạm dừng học tập không chỉ một lần.

Một điểm rất nhân văn để học sinh có thể sửa chữa vươn lên là tất cả các hình thức kỷ luật sẽ chỉ lưu lại trong hồ sơ của nhà trường chứ không còn ghi vào học bạ như trước đây. Ông Linh cũng cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ GD-ĐT đã tham khảo và nhận góp ý từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNICEF.

Trúc Ly (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.