Giáo dục - Học Đường

Chương trình “Đưa trường học đến với thí sinh” năm 2018: Thí sinh quan tâm nhiều đến các trường ĐH, CĐ trong tỉnh

Thứ Hai, 19/03/2018 | 17:02

Chương trình “Đưa trường học đến với thí sinh” năm 2018 do Báo Người lao động phối hợp với Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn tổ chức đã thu hút sự tham gia của hơn 1.500 học sinh lớp 12 đến từ các trường THPT trên địa bàn TP. Bạc Liêu và các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình… Ghi nhận tại chương trình cho thấy, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trên địa bàn tỉnh nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh về ngành nghề đào tạo. Đây thật sự là một tín hiệu vui đối với các trường địa phương.

Học sinh Trường THPT Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) đặt câu hỏi tại chương trình. Ảnh: C.K

Tham gia tư vấn tại chương trình có các diễn giả đến từ những trường danh tiếng như: ĐH Quốc gia TP. HCM, ĐH Nông lâm TP. HCM, ĐH Tài chính - Marketing… Bên cạnh đó còn có các trường ĐH, CĐ trên địa bàn tỉnh như: ĐH Bạc Liêu, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, CĐ Nghề Bạc Liêu.

Tại chương trình, các diễn giả đã nhiệt tình tư vấn, trả lời những thắc mắc, cũng như băn khoăn của học sinh khi chọn trường, chọn ngành học sau khi tốt nghiệp THPT. Phần lớn các câu hỏi của học sinh đều tập trung vào cơ hội việc làm sau khi ra trường, những ngành nghề nào xã hội đang có nhu cầu tuyển dụng cao…

Ghi nhận tại chương trình cho thấy, nhiều trường như: ĐH Bạc Liêu, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, CĐ Nghề Bạc Liêu… nhận được nhiều câu hỏi của thí sinh về ngành nghề đào tạo, cơ hội việc làm khi ra trường. Ông Trần Văn Chiêu, Hiệu trưởng Trường đại học Bạc Liêu, cho biết: “Trong 12 ngành đào tạo của trường thì ngành Nuôi trồng thủy sản là ngành mũi nhọn. Lượng sinh viên ra trường của ngành này hiện không đủ cung cấp cho doanh nghiệp. Có em mới ra trường lương khởi điểm đã từ 7 triệu đồng/tháng trở lên, cộng với bao ăn ở”.

Cũng quan tâm nhóm ngành nghề địa phương đang cần, một thí sinh cho biết muốn học ngành Nuôi trồng thủy sản tại Trường ĐH Nông Lâm TP. HCM nhưng sợ không đủ điểm. Em hỏi: “Nếu không trúng tuyển ở TP. HCM thì cơ hội học ở phân hiệu ra sao?”. Trả lời câu hỏi này, TS. Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Nông Lâm, khuyên trước khi chọn ngành, thí sinh hãy lấy gốc là hướng nghiệp xem có phù hợp hay không, sau đó xem ngành này có ở trường nào. Hiện nay, nhiều trường đào tạo ngành Nuôi trồng thủy sản như: ĐH Nông Lâm, ĐH Cần Thơ, ĐH Bạc Liêu. Nếu các điều kiện đều thỏa mãn thì có thể cân nhắc ưu tiên học trường ở địa phương “ăn cơm nhà” lấy bằng ĐH.

Ngoài những câu hỏi liên quan đến ngành nghề, chương trình còn thu hút nhiều câu hỏi đáng suy ngẫm. Một thí sinh đến từ Trường THPT Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) đặt câu hỏi trực tiếp cho Ban tư vấn về việc tại sao có nghịch lý: “Hiện nay, nhiều trường CĐ, trung cấp chỉ tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT không cần thi, bảo đảm việc làm. Trong khi đó, nhiều cử nhân ĐH, thạc sĩ ra trường mà vẫn thất nghiệp?”. Ông Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp - Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, lý giải tất cả các trường đều mong muốn sinh viên của mình ra trường có việc làm, song thời gian gần đây, nhiều sinh viên khi tuyển dụng vào các công ty gặp khó khăn ban đầu hoặc lương bổng chưa như ý muốn, đâm ra chán nản, dẫn đến bỏ việc, thất nghiệp chứ xã hội không bao giờ thiếu việc. Việc chọn bậc học ĐH hay CĐ, trung cấp, các em nên dựa vào khả năng của bản thân (lực học, sức khỏe, tài chính)…

Có thể thấy, việc chọn ngành, chọn nghề phù hợp với năng lực, hoàn cảnh gia đình là ưu tiên hàng đầu của nhiều thí sinh. Chính vì lẽ đó, các ngành nghề do các trường tại địa phương đào tạo đang nhận được nhiều sự quan tâm của các em học sinh trong tỉnh. Trong điều kiện tuyển sinh gặp nhiều khó khăn thì sự quan tâm của thí sinh là cơ hội tốt để các trường ĐH, CĐ trong tỉnh nỗ lực hơn trong công tác tuyển sinh, đào tạo, mang lại cơ hội việc làm tốt cho các em sau khi ra trường.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.