Giáo dục - Học Đường

Đổi mới phương pháp giáo dục: Thầy chủ động, trò sáng tạo

Thứ Hai, 30/11/2020 | 16:38

Để học sinh (HS) giữ vai trò trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong mọi hoạt động dạy học, những năm qua ngành Giáo dục tỉnh đặc biệt chú trọng việc đổi mới phương pháp giáo dục, khuyến khích thầy cô giáo tìm tòi, nghiên cứu, đưa vào bài giảng những sáng kiến mới. Qua đó, đã tạo nên những hiệu ứng tích cực, giúp HS thời đại công nghệ số hình thành nên những năng lực, phẩm chất cơ bản về sáng tạo, phát hiện, giải quyết vấn đề, giao tiếp và làm việc nhóm…

Học sinh Trường tiểu học Trần Phú (TP. Bạc Liêu) trải nghiệm khoa học vui về các phản ứng hóa học. Ảnh: Đ.K.C

Những trải nghiệm thú vị

Hiện nay, việc dạy học tích hợp, liên môn được xem là phương pháp hay giúp HS hình thành và phát triển năng lực, trong đó có năng lực vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết các tình huống trong thực tế cuộc sống. Qua ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều trường THPT trên toàn tỉnh, các bài học về dòng điện trong các môi trường như: kim loại, chất điện phân, chất khí, bán dẫn được các giáo viên tổ Vật lý thống nhất cách tiếp cận chung để phân bố giảng dạy phù hợp. Việc tích hợp này đã tạo kiến thức nền tảng và logic, mang lại cho HS cách tiếp cận bài giảng ngắn gọn, dễ hiểu và có tính liên kết vấn đề.

Nhiều HS tỏ ra hào hứng khi được chọn để thay mặt nhóm trình bày về nội dung bài thuyết trình. Đâu chỉ tự tin đứng trước lớp thuyết trình, các em còn vận dụng sự hiểu biết của bản thân để giải thích, làm rõ vấn đề mà các bạn trong lớp thắc mắc xung quanh bài thuyết trình của nhóm. Không chỉ vậy, những đóng góp từ thầy cô, bạn bè cũng giúp các em bổ khuyết thêm để hoàn thiện nội dung được trình bày. Tất nhiên, những kiến thức, bài học mới sẽ dễ dàng thẩm thấu hơn với phương pháp học tập thú vị này.

Thay vì ép HS vào khuôn mẫu của những giờ học Văn truyền thống, thì nay nhiều trường THCS, THPT tổ chức các buổi ngoại khóa về văn học dân gian, văn học đương đại. HS được thỏa sức sáng tạo, hóa thân vào những tác phẩm, nhân vật mà mình yêu thích để cảm nhận nội dung, giá trị nghệ thuật, những thông điệp đầy tính nhân văn ẩn sau những tác phẩm… Sau đó, giáo viên tiếp tục là người giữ vai trò xâu chuỗi các dữ liệu, sự kiện, đúc rút ra những kết luận mang tính định hướng. Và hiệu quả mà phương pháp này mang lại đã vượt xa mong đợi.

Trường THPT Chuyên Bạc Liêu (TP. Bạc Liêu) còn có một cách làm rất sáng tạo, giúp hình thành nên những năng lực, phẩm chất cơ bản cho HS thời công nghệ số, đó là luân phiên giao cho các lớp phụ trách tổ chức các buổi ngoại khóa lồng ghép vào các buổi chào cờ đầu tuần. Theo nhiều HS của trường, từ các buổi sinh hoạt ngoại khóa này, nhiều vấn đề, chủ điểm mà các bạn trẻ quan tâm hiện nay đều được tập thể các lớp khéo léo xây dựng thành những kịch bản dưới hình thức sân khấu hóa, đố vui học đường, thuyết trình, đặt câu hỏi giao lưu với khán giả… Qua đó, giúp các em thêm chủ động, mạnh dạn, tự tin khi giao tiếp trước đám đông, tăng sự hỗ trợ, đoàn kết giữa các thành viên trong lớp và cùng nhau trau dồi, bổ khuyết những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong học tập, cuộc sống.

Tiếp tục phát huy vai trò trung tâm của HS

Hiệu quả mà phương pháp dạy học mới mang lại giúp các nhà trường thêm vững tin, mạnh dạn áp dụng thêm nhiều kinh nghiệm, sáng kiến mới vào quá trình giảng dạy. Theo đó, ngoài việc hỗ trợ giáo viên trong sử dụng khai thác hiệu quả các phương tiện, thiết bị phục vụ dạy học tích hợp, liên môn, ngành Giáo dục nói chung, các nhà trường nói riêng còn tuyên truyền sâu rộng đến phụ huynh về chủ trương này để có những hỗ trợ cần thiết trong quá trình học tập của con em mình.

Không chỉ vậy, trong các hoạt động dự giờ, thăm lớp, lãnh đạo, các tổ chuyên môn nhà trường sẽ thẳng thắn góp ý nếu giáo viên tích hợp, liên hệ chưa hợp lý. Những góp ý của ban giám hiệu và tổ chuyên môn không chỉ đánh giá giờ dạy, mà còn góp phần đóng góp, giúp giáo viên tăng cường đổi mới phương pháp dạy học tích cực theo định hướng phát triển năng lực HS, lấy HS làm trung tâm, bảo đảm các chuẩn kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Song song đó, để phát huy vai trò trung tâm của HS thì giáo viên cũng cần chú trọng việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng tích cực, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy, tránh lối dạy hỏi và đáp bám sát sách giáo khoa, thiếu tính linh hoạt trong tổ chức các hoạt động dạy học. Người giáo viên nên giữ vai trò định hướng, rèn cho HS phương pháp tự học, tự nghiên cứu để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học. Nên dành nhiều thời gian trên lớp để HS luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận; giáo viên tổng hợp, nhận xét, kết luận để HS tiếp nhận và vận dụng.

Bên cạnh đó, các trường cần tăng cường, khuyến khích các hoạt động trải nghiệm, hướng dẫn HS nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, góp phần đổi mới phương pháp, hình thức dạy học trong nhà trường. Kết hợp một cách hợp lý, linh hoạt giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra, đề kiểm tra; cần thể hiện rõ mục đích hướng đến của công tác kiểm tra, đánh giá sao cho phù hợp với từng đối tượng HS.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.