Giáo dục - Học Đường

Dự kiến phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển 2018: Người “trong cuộc” lại… ngồi trên đống lửa!

Thứ Sáu, 22/09/2017 | 15:23

Dư luận hiện nay đặc biệt quan tâm đến việc Bộ GD-ĐT đưa ra 2 phương án dự kiến cho kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018 để lấy ý kiến từ các trường đại học, cao đẳng sư phạm. Khi ngành Giáo dục - Đào tạo phải tiếp tục điều chỉnh, thay đổi phương án dạy và học cho phù hợp với tình hình mới thì học sinh, giáo viên và phụ huynh như đang… ngồi trên đống lửa vì lo âu.

Học sinh căng thẳng trước mỗi kỳ thi THPT quốc gia vì những thay đổi mới. Trong ảnh: Học sinh khối 12 tranh thủ ôn lại kiến thức trước khi bước vào phòng thi tại Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Phước Long) năm 2017. Ảnh: Đ.K.C

MỆT MỎI VÌ THAY ĐỔI PHƯƠNG ÁN LIÊN TỤC

Năm 2015, Bộ GD-ĐT quyết định gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng thành kỳ thi THPT quốc gia để giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Nhưng từ đó cho đến nay, kỳ thi này thay đổi phương án liên tục qua từng năm khiến học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh không khỏi hoang mang, lo lắng khi lúc nào cũng phải sẵn sàng tâm lý “ứng phó” với những thay đổi mới.

“Chúng tôi chưa hết mệt mỏi và căng thẳng với kỳ thi THPT quốc gia vừa qua khi thầy và trò phải chạy đua với thời gian để kịp tiến độ và chương trình ôn luyện phù hợp với phương án thi mới của năm 2017. Tưởng đâu năm nay sẽ thở phào nhẹ nhõm vì phương án thi ổn định thì lại hay tin Bộ GD-ĐT vừa có công văn lấy ý kiến các trường đại học, cao đẳng sư phạm về việc tổ chức bài thi tổ hợp theo 2 phương án khác nhau”, một giáo viên THPT trên địa bàn huyện Hồng Dân than thở.

Có thể nói, về cơ bản, phương án thi THPT quốc gia 2018 vẫn giữ ổn định như năm 2017, trong đó thí sinh sẽ thi 3 bài thi bắt buộc gồm Toán, Văn, Tiếng Anh và 2 bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân). Trừ môn Văn thi tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Riêng đề thi tổ hợp, Bộ GD-ĐT có 2 phương án: Phương án 1, giữ nguyên như năm 2017 với 3 môn thi thành phần riêng (kết thúc môn này, thí sinh thi tiếp môn sau). Sẽ có điểm thành phần từng môn và điểm tổng toàn bài để các trường tiếp tục xét tuyển như năm 2017. Phương án 2, chuyển hướng bài tổ hợp sang tích hợp đánh giá năng lực. Tức là thay vì tách riêng 3 môn thi thành phần, Bộ sẽ trộn kiến thức các môn thành một đề hoàn chỉnh. Điểm sẽ được thống nhất toàn bài thi, không chia thành điểm thành phần. Với phương án 2, các trường khi xét tuyển sẽ phải thay đổi tổ hợp môn. Trường có thể chọn 2, hoặc 3 bài thi trong số bài thi của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, trong đó bắt buộc có một bài thi Toán hoặc Ngữ văn. Theo Bộ GD-ĐT, 2 phương án dự kiến này sẽ làm cho việc tổ chức và chấm thi đơn giản hơn, dần phát triển thành bài thi tích hợp đánh giá đúng năng lực của thí sinh.

CẦN CÓ LỘ TRÌNH CỤ THỂ

Trước những dự kiến sẽ thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, có nhiều luồng ý kiến trái chiều từ phía dư luận. Số đông thì cho rằng nên giữ nguyên phương án thi như năm 2017 để ổn định tâm lý, không gây xáo trộn trong việc dạy và học của thầy - trò các trường THPT. Nhưng cũng có không ít người ủng hộ với phương án 2 của Bộ GD-ĐT.

Anh Ngô Hoàng Oai (phường 3, TP. Bạc Liêu) bày tỏ lo lắng: “Con tôi đang theo học lớp 12. Cả nhà hiện đang… nhấp nhổm ngóng thông tin từ Bộ GD-ĐT về những thay đổi mới. Bởi lẽ ngay từ khi vào học cấp 3, vợ chồng tôi đã định hướng cho con theo khối A, vì thế mạnh của cháu là các môn Lý, Hóa. Nếu bây giờ Bộ GD-ĐT chuyển sang thi tích hợp thì cháu sẽ rất vất vả khi phải cáng đáng thêm môn Sinh. Phụ huynh chúng tôi mong rằng, Bộ GD-ĐT hãy nghĩ đến quyền lợi, cảm giác của thí sinh mà hạn chế những thay đổi, cũng như sớm chốt phương án thi để có phương án ôn tập sớm, tránh bị động”.

Nhiều học sinh lớp 12 của Trường THPT Giá Rai (TX. Giá Rai) bày tỏ mong muốn Bộ GD-ĐT sớm chốt phương án thi, cũng như cung cấp tài liệu ôn tập, đề minh họa phù hợp để các em tập trung tinh thần học tập, không phải thấp thỏm lo âu trước những thay đổi bất ngờ.

Số ít người ủng hộ với phương án 2 thì cho rằng: việc tổ chức bài thi tổ hợp thành 3 môn thi tách biệt sẽ giúp các trường đại học, cao đẳng thuận lợi trong xét tuyển nhưng lại khiến công tác ra đề, tổ chức thi, chấm thi trở nên phức tạp, trong khi thí sinh mệt mỏi, căng thẳng và phải thi 3 môn liên tiếp trong cùng một khoảng thời gian.

Khách quan mà nói, về lâu dài phương án 2 rất tối ưu. Bởi lẽ, qua kết quả thi của thí sinh năm 2017 đã phơi bày tình trạng học lệch theo khối. Cho nên, nếu chỉ tính một đầu điểm cho cả bài thi tổ hợp sẽ giảm được tình trạng học lệch, cũng như tạo thuận lợi cho việc xét tuyển đầu vào của các trường. Tuy nhiên, năm nay chưa phải lúc để áp dụng phương án này, mà Bộ chỉ nên công bố để áp dụng cho năm 2020 vì “bất kỳ sự thay đổi nào cũng đều tác động đến người học nên cần có lộ trình cụ thể” như theo lời của tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP. HCM.

KIM TRÚC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.