Giáo dục - Học Đường

hành trình du học sử đầu xuân “Về thăm đất sen hồng”

Thứ Tư, 30/01/2019 | 16:21
Cô Lưu Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong (ảnh) chia sẻ: “Mỗi điểm đến, mỗi hành trình du học sử là một trải nghiệm thú vị giúp cán bộ, giáo viên, học sinh trường mở rộng thêm kiến thức về lịch sử - văn hóa các địa phương. Hành trang ý nghĩa này sẽ làm phong phú, sinh động thêm những tiết dạy - học lịch sử, giúp thế hệ trẻ hôm nay trân trọng hơn những giá trị, thành quả cách mạng của các bậc tiền nhân, để rồi ra sức học tập, rèn luyện trở thành những thế hệ kế thừa xứng đáng. 
Thành công của mỗi hành trình du học sử giúp chúng tôi có thêm động lực để tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa ý nghĩa khác về các “địa chỉ đỏ” ở các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL”.

 

Nhiều năm qua, hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp luôn được Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) đa dạng hóa về nội dung, hình thức tổ chức. Trong đó, phải kể đến hành trình du học sử về các “địa chỉ đỏ” tại địa phương và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Với chủ đề “Về thăm đất sen hồng”, chuyến hành trình ý nghĩa mừng Đảng quang vinh, mừng xuân Kỷ Hợi 2019 đã giúp thầy trò nhà trường hiểu và yêu hơn đất và người Đồng Tháp.

Điểm đến đầu tiên của đoàn là Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Đây là một trong những điểm tham quan để lại nhiều ấn tượng trong lòng gần 300 cán bộ, giáo viên, học sinh của trường. Khu di tích tọa lạc ở số 123/1 Phạm Hữu Lầu, phường 4, TP. Cao Lãnh. Đây là quần thể kiến trúc văn hóa độc đáo, được xếp hạng “Di tích cấp quốc gia” ngày 9/4/1992 nhằm ghi ơn cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, một nhà Nho yêu nước và cũng chính là thân sinh của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích được chia thành 3 khu vực chính: Khu lăng mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc, nhà sàn Bác Hồ và ao sen. Sau khi được thuyết minh viên giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển của cụm khu di tích (ảnh 1), đoàn đã thắp hương với lòng thành kính, ngưỡng mộ một con người hết lòng vì nước, vì dân (ảnh 2).


Đoàn còn tham quan khu nhà lưu niệm trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu quý liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Sinh Sắc, nhất là thời gian cụ ở Cao Lãnh. Một góc làng Hòa An xưa - nơi lần đầu tiên cụ Nguyễn Sinh Sắc đến hoạt động cách mạng, những hoạt động đặc trưng của làng quê Nam bộ cũng được tái hiện và phục dựng lại trong quần thể khu di tích, giúp thầy trò nhà trường hiểu hơn về vùng đất Nam bộ thuở xưa (ảnh 3).


Điểm dừng chân thứ hai của đoàn là khu di tích Xẻo Quýt. Nơi đây khi xưa cỏ dại hoang vu, kênh rạch chằng chịt, lau sậy mịt mùng, nên từ năm 1960 - 1975 được Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) chọn làm căn cứ chiến lược để lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Giờ đây, Xẻo Quýt không chỉ là khu di tích lịch sử mà còn là một trong những điểm du lịch về nguồn độc đáo, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Bên cạnh trải nghiệm lịch sử, đoàn còn tham gia các trò chơi dân gian, thăm phiên chợ quê đậm chất Nam bộ, thăm các làng nghề nổi tiếng và thưởng thức những món ngon nức tiếng của Đồng Tháp (ảnh 4). 


Làng hoa Sa Đéc cũng là một trong những điểm đến được trông đợi. Quả không hổ danh là “Thủ phủ hoa miền Tây”, nơi đây được bao phủ bởi hơn 3.000 loài hoa kiểng đang khoe sắc đúng dịp xuân về. Ngoài việc tham quan, “tậu” những chậu hoa xinh xắn về chưng tết, các thành viên trong đoàn đã không quên lưu lại những khoảnh khắc đẹp tại làng hoa này (ảnh 5).


Dư vị đẹp của chuyến hành trình sẽ là những kỷ niệm khó phai, những bài học ý nghĩa bên ngoài sách vở để học sinh yêu hơn quê hương, Tổ quốc mình. Đây cũng là “món quà tinh thần” quý giá mà học trò nhận được trước khi tạm xếp bút nghiên để vui tết cổ truyền, đoàn viên với gia đình.
Kim Trúc (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.