Giáo dục - Học Đường

Huyện Hòa Bình: Thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số”

Thứ Hai, 15/06/2020 | 15:11

Thời gian qua, huyện Hòa Bình đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện tốt Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Qua gần 5 năm thực hiện, hầu hết trẻ DTTS đến trường đều được tăng cường tiếng Việt phù hợp với từng độ tuổi theo quy định.

Trẻ em DTTS của Trường mầm non Hoa Hồng làm quen với tiếng Việt. Ảnh: C.K

Theo đó, từ khi được triển khai, ngành Giáo dục huyện đã chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch để tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS mới vào lớp 1, giúp các em nói rành tiếng Việt hơn để tiếp thu bài đạt hiệu quả. Hằng tuần tăng thời lượng học Tiếng Việt vào các buổi thứ 2 (đối với các trường dạy 2 buổi/ngày), tăng thời gian đối với những trường dạy trên 5 buổi/tuần. Ngành cũng chỉ đạo cho các trường thường xuyên trao đổi với phụ huynh vào buổi họp đầu năm, về nhà hạn chế nói tiếng mẹ đẻ, nhằm giúp cho tất cả các em từ lớp 1 đến lớp 5 đều đọc thông, viết thạo tiếng Việt, từ đó giúp các em đạt được kết quả khá cao. 

Hiện nay, chương trình song ngữ Việt - Khmer được tiếp tục duy trì tại 3 trường tiểu học, có 11 lớp với 239 em tham gia học (Hòa Bình A, Hòa Bình C và Vĩnh Hậu A; giảm 1 trường so với năm trước).

Đối với trường mầm non, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học về nuôi dạy con, về giáo dục mầm non cho các bậc cha mẹ được nắm và hiểu rõ một số biện pháp tăng cường tiếng Việt, đặc biệt là đối với trẻ DTTS. Thông qua đó, phụ huynh phối hợp tốt với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp để chăm sóc giáo dục trẻ được tốt hơn.

Các trường từng bước xây dựng môi trường chữ viết (môi trường vật chất, môi trường xã hội) trong và ngoài lớp học. Kết hợp với những hình ảnh có từ minh họa bằng chữ viết thường bên dưới như: Các hình ảnh chữ viết được trang trí ở các hành lang, trong lớp học, ký hiệu đồ chơi, ký hiệu đồ dùng cá nhân của trẻ, tận dụng các mảng tường để cho trẻ làm quen chữ cái tiếng Việt như đọc, tô, nối, tìm chữ cái còn thiếu...

Thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ và đánh giá sự phát triển của trẻ thông qua môi trường tiếng Việt.  

Phòng Giáo dục huyện chọn 3 trường điểm (mầm non Hoa Hồng, mầm non Tuổi Thơ và mầm non Hướng Dương) để chỉ đạo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, môi trường giáo dục, tăng cường tiếng Việt, qua đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình điểm về đầu tư cơ sở vật chất. Đồng thời tăng cường chủ động tham mưu với UBND huyện đầu tư cải tạo cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu và tiêu chí xây dựng môi trường tiếng Việt trong và ngoài lớp nhằm nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDMN. Tạo điều kiện cho các em tham gia giao lưu với các trường bạn trong huyện như giao lưu tiếng Việt cho học sinh dân tộc (tại các trường tiểu học có đông học sinh dân tộc), Hội khỏe Phù Đổng…

Ngành Giáo dục huyện còn thường xuyên cử cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn công tác quản lý, giảng dạy tăng cường tiếng Việt; đối với các lớp mầm non, tiểu học có đông trẻ, học sinh người DTTS thì các trường phân công giáo viên trực tiếp đứng lớp là người DTTS để thuận tiện trong việc quản lý, giảng dạy và hỗ trợ các em.

Từ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát đó, ở cấp mầm non có 100% trẻ DTTS đến trường được chăm sóc và giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non do Bộ GD-ĐT ban hành và được học 2 buổi/ngày, được tăng cường tiếng Việt phù hợp với từng độ tuổi theo quy định.

Nhằm giúp trẻ phát triển kỹ năng nghe, hiểu, giáo viên thực hiện các biện pháp như: Khi giao tiếp hay giáo dục trẻ, giáo viên kết hợp giữa lời nói với đồ dùng trực quan để trẻ dễ hiểu, tập cho trẻ kể chuyện theo tranh, đóng kịch, đọc thơ, ca dao, đồng dao, chơi trò chơi, tổ chức cho trẻ dạo chơi, quan sát, trò chuyện cùng cô và các bạn về môi trường xung quanh trẻ. Ngoài ra, giáo viên còn quan tâm phát triển kỹ năng tiền đọc, tiền viết cho trẻ, nhất là trẻ 5 tuổi, dạy trẻ nhận biết và phát âm đúng các chữ cái tiếng Việt, tô màu chữ, ghép nét, tạo hình chữ cái, nhận biết số và đếm số lượng…

Những biện pháp đó đã giúp trẻ phát triển ngôn ngữ tốt hơn, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học. Đồng thời, tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của cấp học tiếp theo. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển dân trí bền vững trong cộng đồng DTTS, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển của địa phương.

CHÂU KHÁNH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.