Giáo dục - Học Đường

Huyện Hồng Dân: Đơn vị điển hình trong công tác xã hội hóa giáo dục

Thứ Tư, 12/12/2018 | 16:05

Hồng Dân là huyện vùng sâu của tỉnh nhưng nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cấp lãnh đạo nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng lên. Trong đó, công tác giáo dục được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn… Và góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục của quê hương là tấm lòng của những mạnh thường quân, những nhà hảo tâm… đã chung tay chăm lo cho các em học sinh tiếp bước đến trường.
Chúng tôi về ấp Chủ Chọt (xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân) nơi có ngôi trường tiểu học vinh dự mang tên người “thủ lĩnh nông dân” Trần Kim Túc (tên thường gọi là Chủ Chọt) trong cuộc khởi nghĩa ở Ninh Thạnh Lợi năm 1927. Đây là một ngôi trường giống như bao nhiêu ngôi trường khác, nhưng điểm khác biệt là toàn bộ diện tích của trường do một lão nông tự nguyện hiến đất mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì.
Ông Trần Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Kim Túc, cho biết: “Trường được thành lập vào năm 2013 với diện tích hơn 2.000m2 do chú Hồ Cảnh Sến tự nguyện hiến đất. Đến năm 2015, do nhu cầu mở rộng, xây thêm dãy 6 phòng học lầu nên chú hiến thêm hơn 1.000m2 đất nữa. Rồi năm 2015, để đủ diện tích đất theo quy định để đạt chuẩn quốc gia, chú Sến tiếp tục hiến 2.000m2 đất. Hiện tại, diện tích của trường là hơn 5.000m2 đều do chú Sến tự nguyện hiến đất”.

* Với nghĩa cử cao đẹp hiến hơn 5.000m2 đất xây dựng Trường tiểu học Trần Kim Túc, chú Hồ Cảnh Sến (ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) vinh dự nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 
* Cơ sở vật chất khang trang của Trường tiểu học Trần Kim Túc (tọa lạc tại ấp Chủ Chọt). Ảnh: C.K

Bất ngờ trước tấm lòng “hào hiệp” đó, chúng tôi tìm gặp chú Hồ Cảnh Sến (sinh năm 1949, ngụ ấp Chủ Chọt). Tiếp chuyện với chúng tôi, chú thật sự cũng không nhớ rõ từng thời điểm hiến đất mà chỉ cho biết nguyên nhân hiến đất đơn giản là “thấy con cháu trong ấp muốn đến trường phải lặn lội quá xa, đường đi lại thì khó khăn nên tự nguyện hiến đất xây trường để tụi nhỏ có nơi học hành đàng hoàng”. Đáng quý hơn là không chỉ tự nguyện hiến đất, khi được các cấp lãnh đạo “ngỏ ý” đền bù huê lợi trên đất với giá trị hàng trăm triệu đồng, chú đều lắc đầu không nhận. Không chỉ thế, dù tuổi cao nhưng chú lại tự mình đốn cây, dọn dẹp mặt bằng để bàn giao đất xây trường. Nghĩa cử cao đẹp của lão nông được các cấp chính quyền ghi nhận, thể hiện qua việc biểu dương, tuyên dương… Đặc biệt, chú cũng vừa nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì việc làm ý nghĩa dành cho quê hương.
Với hơn 5.000m2 đất ấy, nhà trường được đầu tư xây dựng 11 phòng học lầu, 7 phòng hiệu bộ, phòng chức năng để phục vụ việc dạy và học cho trên 300 học sinh. Không phụ tấm lòng của lão nông Hồ Cảnh Sến, tập thể cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh của trường đã phấn đấu không biết mệt mỏi qua nhiều năm để xây dựng cảnh quan nhà trường, nâng cao chất lượng giáo dục… và vinh dự được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 vào tháng 6/2018.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hồng Dân, cho biết: “Nhiều năm qua, công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn huyện nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp trong xã hội. Theo đó, ngoài hàng ngàn suất học bổng, tập, sách, quần áo… dành cho học sinh nghèo thì nhiều người dân đã sẵn sàng hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây trường học. Đây là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sự quan tâm của người dân đến công tác giáo dục”.
Những nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được các thế hệ nhà giáo, học trò khắc ghi, tri ân bằng việc làm thiết thực là “dạy tốt - học tốt” để góp phần vào sự nghiệp giáo dục chung của địa phương.
Châu Khánh

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.