Giáo dục - Học Đường

Khởi động năm học mới ở các trường vùng sâu

Thứ Sáu, 16/08/2019 | 16:09

Dù phải đối diện với khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt, nhưng thầy và trò các trường vùng sâu vùng xa luôn nỗ lực vượt khó, ra sức công tác, học tập để không thua kém các trường ở khu vực thành thị. Sự nỗ lực ấy luôn khiến năm học mới của họ rộn tiếng cười và luôn hứa hẹn sẽ bội thu những thành tích mới.

Giờ học Mỹ thuật của thầy trò Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân). Ảnh: Đ.K.C

Chúng tôi đến thăm Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) vào đầu giờ chiều, không khí học tập từ các lớp rất nghiêm túc. Những dãy phòng học lầu khang trang bên khuôn viên rộng thoáng, nhiều cây xanh… đã thay thế cho những phòng học cấp 4 cũ kỹ ngày nào; những khoảnh sân ngập nước, sình lầy vào mùa mưa giờ đây cũng trở thành ký ức. Đây là một trong những ngôi trường có tiếng về chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà, hàng năm thầy và trò nhà trường luôn gặt hái những thành tích mới từ các cuộc thi, hội thi các môn văn hóa, hoạt động phong trào… Và đây cũng là ngôi trường có truyền thống hiếu học, đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh nghèo, con em đồng bào dân tộc thiểu số. Cô Nguyễn Thị Điệp, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Ngay trong khoảng thời gian học sinh nghỉ hè, nhà trường đã có kế hoạch vận động học sinh trở lại lớp, trong đó đối tượng chúng tôi đặc biệt quan tâm là học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con em đồng bào dân tộc. Bởi đây là những đối tượng có nguy cơ bỏ học cao. Năm học này, trường có hơn 1.100 học sinh thì trong đó có hơn 30% học sinh thuộc diện hộ nghèo, con em đồng bào dân tộc. Để các em bám lớp, bám trường, ngoài việc giáo viên đến tận nhà vận động, tìm hiểu hoàn cảnh, nhà trường còn miễn giảm học phí, hỗ trợ học bổng, tặng phương tiện đi lại, đồ dùng học tập, nhu yếu phẩm… Nhờ vậy, tình trạng bỏ học giảm đáng kể”.

Nhà ở địa bàn vùng sâu của huyện Đông Hải, dân cư phân bố rải rác, một số nơi còn bị “cô lập” bởi địa thế hiểm trở, nhưng thầy trò Trường THCS Lương Thế Vinh (xã An Phúc) vẫn luôn lạc quan, xem khó khăn, thử thách là động lực để họ thêm quyết tâm ra sức học tập, công tác, hoàn thành xuất sắc những chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm học mới.

Theo đó, trường đã có nhiều biện pháp để đỡ đầu học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh yếu kém về học lực. Không chỉ giúp đỡ tại lớp, giáo viên còn đến tận nhà để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh gia đình của các em, từ đó có hướng hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Bên cạnh việc xã hội hóa, tranh thủ các nguồn học bổng từ các tổ chức, đoàn thể, mạnh thường quân…, nhà trường còn chủ động xây dựng quỹ khuyến học để giúp đỡ học sinh nghèo thông qua đóng góp tự nguyện của giáo viên và phong trào “Nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học” ở các lớp. Thương cảm học trò nghèo vùng sâu phải vất vả đến trường nhưng vẫn không một ngày xao lãng việc học, vẫn quyết tâm bám lớp, bám trường bất kể mưa nắng, nhiều thầy cô ở xa về trường công tác đã chọn địa bàn An Phúc làm nơi để cống hiến vì sự nghiệp giáo dục, để gắn bó trọn đời.

Mỗi khi năm học mới chính thức khởi động là những người làm công tác giáo dục địa bàn các xã vùng ven như: Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình); Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông, (TP. Bạc Liêu)… lại trăn trở với công tác vận động học sinh ra lớp. Không lo làm sao được khi đa phần học sinh nơi đây đều là con em hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Đáng thương hơn là chuyện cha mẹ các em thường đi làm ăn xa, gửi các em lại cho ông bà đã già yếu chăm sóc, nên chuyện lo cái ăn cái mặc đã khó, thì nói chi đến chuyện học hành. Vậy là ngoài việc miễn hoàn toàn học phí, tranh thủ các nguồn tài trợ học bổng, quần áo, sách vở, xe đạp, bảo hiểm y tế…, nhiều thầy cô còn tiện đường đưa rước để các em không bỏ học.

Từ quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục để xóa dần khoảng cách với các trường ở thành thị, thầy và trò các cấp học địa bàn vùng sâu vùng xa đã không ngừng nỗ lực để vượt lên chính mình, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, tranh thủ các nguồn xã hội hóa, kinh phí sự nghiệp giáo dục để mở rộng trường lớp, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Hàng ngàn suất học bổng, xe đạp, quần áo, đồ dùng học tập… cũng đã đến tay học sinh nghèo mỗi dịp khai giảng năm học mới như những món quà tiếp sức đầy ý nghĩa. Song song đó, nhiều phong trào thi đua trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh được phát động rầm rộ như: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Giúp đỡ học sinh yếu kém”… Các phong trào này đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi diện mạo giáo dục vùng sâu những năm qua.

Khởi động năm học mới với quyết tâm cao và nhiều kỳ vọng tốt đẹp, tin rằng thầy và trò các trường vùng sâu sẽ phát huy những thành tích đạt được, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục địa bàn vùng sâu, vùng xa nói riêng, tỉnh nhà nói chung.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.