Giáo dục - Học Đường

Không để lạm thu núp bóng xã hội hóa giáo dục

Thứ Sáu, 05/10/2018 | 15:10

Thời điểm này, các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh từ mầm non đến THPT đã hoàn thành việc họp phụ huynh đầu năm học mới. Ngoài việc phối hợp chặt chẽ với gia đình để giáo dục tốt con em, thì buổi gặp gỡ này còn là dịp để các trường kêu gọi sự hỗ trợ nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy… Tuy nhiên, bên cạnh những khoản vận động xã hội hóa thực chất thì vẫn còn nhiều nơi khiến phụ huynh, dư luận băn khoăn vì sự thiếu minh bạch trong việc sử dụng các khoản thu ấy.

Một buổi họp phụ huynh đầu năm tại Trường mầm non Sơn Ca 1, TX. Giá Rai (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: Đ.K.C

Ban đại diện cha mẹ học sinh đừng biến mình thành “cánh tay nối dài”!

Nhận được thư mời họp phụ huynh đầu năm, chị Hồ Ngọc H. (phường 3, TP. Bạc Liêu) băn khoăn không biết năm nay trường của con gái mình (học lớp Chồi) sẽ vận động xã hội hóa nhiều không, vì vợ chồng chị chỉ là công chức bình thường, lại còn đang ở trọ và chăm lo hai con đang tuổi ăn tuổi học. Sau khi báo cáo tình hình học tập, chăm sóc trẻ thì giáo viên chủ nhiệm lớp liệt kê một tràng dài các khoản đã tự bỏ tiền túi chi trước cho lớp, cũng như những đồ dùng, vật dụng phục vụ học tập mà lớp cần phụ huynh hỗ trợ thêm.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu cô không truyền đạt ý của hiệu trưởng về việc nhờ “mạnh thường quân” của lớp hỗ trợ gắn máy lạnh, mua CPU để kết nối màn hình led giúp các bé được học tập, sinh hoạt tốt hơn, nhưng theo chị được biết hai khoản vận động này đã được phụ huynh các năm trước nhiệt tình ủng hộ, vậy mà chẳng biết máy lạnh, CPU đã “trôi dạt” nơi đâu để giờ trường lại tiếp tục… xã hội hóa! Đó là chưa kể, trong các khoản thu ngoài học phí đầu năm như: hội phí, xây dựng, trang bị đồ dùng học tập… Dù  bất bình với các khoản xã hội hóa khá vô lý nhưng hầu hết phụ huynh đều “ngậm bồ hòn làm ngọt” đóng góp vì e ngại con em mình sẽ chẳng được thầy cô quan tâm, thậm chí "trù dập" thì lại khổ!

Anh Nguyễn Hữu T. (phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai) chia sẻ đầy bức xúc: “Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐDCMHS) của lớp, trường được bầu ra, ngoài việc đại diện tiếng nói cho các  phụ huynh trong việc phối hợp chặt chẽ với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm giáo dục tốt con em về học vấn, đạo đức thì còn giữ vai trò phản biện, bênh vực quyền lợi của phụ huynh trước những khoản thu gắn mác xã hội hóa. Đằng này thay vì phát huy vai trò đóng góp, phản biện thì nhiều BĐDCMHS tự biến mình thành “cánh tay nối dài” của lớp, trường trong việc kêu gọi vận động vượt xa tầm với. Đơn cử như Trưởng BĐDCMHS của lớp con tôi, sau khi được bầu, ông ta (một doanh nhân thành đạt) dõng dạc tuyên bố để con em chúng ta được học tập tốt nhất tôi nghĩ mỗi phụ huynh nên đóng góp từ 500.000 đến 1 triệu đồng làm nguồn quỹ khuyến học, trang bị đồ dùng học tập cho lớp. Và sĩ số lớp hiện tại gần 40 em! Dù cuối mỗi năm học Hội phụ huynh các lớp đều công khai, minh bạch các khoản thu chi nhưng ai sẽ là người thẩm định chất lượng những chiếc tivi, máy lạnh, quạt gió, hệ thống rèm cửa, đèn chiếu sáng… của lớp khi mà các vật dụng này lại tiếp tục được vận động trong niên khóa sau!

Kiên quyết ngăn chặn lạm thu

Để ngăn chặn triệt để nạn lạm thu đang núp bóng xã hội hóa, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 16 (thay thế Thông tư 29) quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, Thông tư quy định rõ nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ, trong đó phải đảm bảo công khai minh bạch, tài trợ phải tự nguyện, không được quy định mức thu tối thiểu, không áp đặt và cào bằng mức thu tài trợ.

Cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau: Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục; hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục. Đồng thời quy định không được vận động tài trợ để chi trả các khoản liên quan đến cán bộ, giáo viên nhà trường.

Thông tư còn quy định rõ quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ theo từng hình thức tài trợ, trong đó đơn vị phải xây dựng kế hoạch vận động tài trợ trình Sở GD-ĐT, hoặc Phòng GD-ĐT phê duyệt trước khi thực hiện. Nếu phát hiện kế hoạch tài trợ không đúng quy định thì phải yêu cầu dừng ngay việc vận động tài trợ. Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan như thủ trưởng đơn vị (người đứng đầu), chính quyền địa phương, Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT. Trong đó, việc tiếp nhận tài trợ thực hiện thông qua tổ tiếp nhận tài trợ. Toàn bộ các khoản tài trợ đều phải quản lý công khai, đúng quy định tại cơ sở giáo dục.

Theo thông tư mới này, BĐDCMHS chỉ đóng vai trò phối hợp, giám sát việc quản lý và sử dụng tài trợ của cơ sở giáo dục; cử đại diện tham gia quá trình tiếp nhận tài trợ, nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng các khoản tài trợ bằng hiện vật hoặc phi vật chất.

Quy định đã quá rõ ràng, BĐDCMHS và các trường nên thực hiện đúng tinh thần của thông tư này!

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.