Giáo dục - Học Đường

Ngăn chặn bạo lực chốn học đường

Thứ Tư, 22/05/2019 | 14:58

>> Bài 1: Bạo lực từ cấp… mầm non và tiểu học!?

Bài 2: Khi đạo đức “xuống cấp”

Người xưa đã dạy “Tiên học lễ, hậu học văn”. Nhiệm vụ của người thầy trước tiên phải dạy cho học trò cách ứng xử, biết lễ nghĩa… rồi mới đến những chuyện khác. Nếu giáo dục không tốt, trong số những học trò này sẽ có người tiếp tục làm nghề giáo. Và, khi cái “căn bản” về đạo đức đã hỏng thì làm sao người thầy đó dạy được học trò của mình…

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) đóng góp quỹ giúp bạn vượt khó.

Chuyện của học sinh từ thành thị đến… nông thôn

Dù là một tỉnh nhỏ, nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet, điện thoại thông minh nên giới học sinh ở Bạc Liêu vẫn có đầy đủ “thông tin” về những vụ bạo lực học đường ở những địa phương khác. Thay vì nhìn nhận vấn đề một cách tích cực để phòng tránh, đằng này với sự nông nổi của tuổi mới lớn, nhiều bạn trẻ lại cổ xúy, hưởng ứng những trò “đánh hội đồng” như một cách để khẳng định “số má” trong mắt bạn bè.

Theo Báo cáo số 288, ngày 3/4/2019 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Thường trực Tỉnh ủy về vụ việc đánh nhau giữa các em học sinh Trường THCS N.T.M.K (phường 5, TP. Bạc Liêu) thì “có 3 học sinh nữ, lớp 8, do mâu thuẫn cá nhân đã lời qua, tiếng lại, sau đó xảy ra ẩu đả, dùng nón bảo hiểm đánh vào nhau. Mặc dù có người dân can ngăn nhưng các em vẫn đánh nhau. Chỉ đến khi em S.T.S.N ngất xỉu thì mới dừng lại. Người dân báo cho cô chủ nhiệm và gọi xe cấp cứu đưa em S.T.S.N vào bệnh viện. Vụ việc xảy ra đối diện cổng trường. Sau khi công an xác minh, làm rõ vụ việc, gia đình em S.T.S.N không yêu cầu truy cứu trách nhiệm vì thương tích nhẹ. Công an không có kết luận, Ban giám hiệu nhà trường và giáo viên chủ nhiệm các lớp có học sinh liên quan không có ý kiến gì về vụ việc này”.

Nói thêm về vụ việc, ông Trần Bằng Phi, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP. Bạc Liêu, cho biết: “Sự việc học sinh đánh nhau là có. Tuy nhiên, sự thật là em S.T.S.N bị bệnh động kinh. Em S.T.S.N là người chủ động đánh bạn, khi sự việc xảy ra thì em S.T.S.N bị động kinh ngất xỉu chứ không ai đánh em ấy ngất xỉu như báo chí thông tin”.

Điều đáng lưu tâm là học sinh ở vùng nông thôn hiện nay cũng lấy “số má” không thua gì học sinh ở chốn thị thành. Trong một chuyến công tác ở huyện Hồng Dân vào đầu tháng 5 này, chúng tôi nghe được thông tin học sinh cấp 2 ở xã Ninh Hòa tổ chức đánh hội đồng bạn, quay video rồi “tung lên mạng”. Khi chúng tôi liên hệ với Phòng GD-ĐT huyện để hỏi thì được biết đó là sự thật. Thông tin bên lề cho biết, học sinh nữ “cầm đầu” nhóm đánh bạn là con của một cán bộ nên chuyện này được giải quyết “êm xuôi”, chỉ “xin lỗi” rồi thôi, không truy cứu nữa.

Hôm đó cũng là ngày diễn ra  hội nghị “Bàn giải pháp phòng chống bạo lực học đường và triển khai kế hoạch xây dựng văn hóa trong trường học” do UBND huyện tổ chức. Hội nghị có rất nhiều tham luận, nhiều ý kiến hay để ngăn chặn bạo lực chốn học đường, giải pháp xây dựng môi trường văn hóa trong trường học… Tuy nhiên, điều tôi thấy “thiếu thiếu” là giá như Ban tổ chức mạnh dạn thông tin về những trường hợp bạo lực học đường đã xảy ra và chọn đơn vị tham luận chia sẻ kinh nghiệm xử lý, ngăn chặn… là “người trong cuộc” thì sẽ thiết thực hơn, thuyết phục hơn!

Đại biểu dự hội nghị “Bàn giải pháp phòng chống bạo lực học đường và triển khai kế hoạch xây dựng văn hóa trong trường học” do UBND huyện Hồng Dân tổ chức. Ảnh: C.K

Những “tấm gương mờ” từ giáo viên

“Nghề giáo là một nghề cao quý”. Câu nói ấy thể hiện sự kính trọng của xã hội đối với người thầy nói riêng, nghề giáo nói chung. Trong bối cảnh hiện nay, mặt trái của kinh tế thị trường và nhiều nguyên nhân khác đã khiến hình ảnh người thầy dần nhạt nhòa, đôi khi chính người thầy cũng không giữ được hình ảnh của mình.

Một Trưởng phòng GD-ĐT  cấp huyện đã phát biểu trong lễ tổng kết năm học 2017 - 2018 rằng cảm thấy rất đau lòng khi trong ngành xảy ra tình trạng 2 nữ giáo viên tiểu học đánh nhau ngay trong trường học. Khi sự “đau lòng” đó còn chưa “nguôi ngoai” thì ngay trong năm học 2018 - 2019, 2 nữ giáo viên mầm non của địa phương đó lại “choảng” nhau túi bụi trước bao ánh mắt trẻ thơ. Dù 2 nữ giáo viên này sau đó đã nhận hình thức kỷ luật nhưng hình ảnh xấu mà các cô để lại trong tâm trí của những đứa trẻ là điều không tránh khỏi. Những người “mẹ hiền” hôm nào bỗng chốc hóa thành “ác mẫu”, ám ảnh trong những giấc mơ, ảnh hưởng đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ…

Lý giải cho sự “xuống cấp” về cách ứng xử thiếu “văn hóa” của một bộ phận học sinh, nhà giáo như hiện nay, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân (trước đây từng là cán bộ quản lý giáo dục), cho rằng: “Tình trạng một số học trò bỏ quên lễ nghĩa như hiện nay, theo tôi là do hệ lụy từ căn bệnh thành tích của ngành Giáo dục qua rất nhiều năm. Người xưa đã dạy “Tiên học lễ, hậu học văn”. Nhiệm vụ của người thầy trước tiên phải dạy cho học trò cách ứng xử, biết lễ nghĩa… rồi mới đến những chuyện khác. Nếu giáo dục không tốt, trong số những học trò này sẽ có người tiếp tục làm nghề giáo. Và, khi cái “căn bản” về đạo đức đã hỏng thì làm sao người thầy đó dạy được học trò của mình.

Bác Hồ từng dạy rằng: “Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó/ Người có tài mà không có đức là người vô dụng”. Ngẫm lại lời Bác dạy mới thấy thấm thía: Cái đức mới là gốc rễ của con người.

Những sự việc như trên không khác nào những “cái tát” thẳng vào lòng tin đối với nghề giáo. Chính thái độ “Ban giám hiệu nhà trường và giáo viên chủ nhiệm các lớp có học sinh liên quan không có ý kiến gì về vụ việc này” hay “chuyện này được giải quyết “êm xuôi”, chỉ “xin lỗi” rồi thôi, không truy cứu nữa”... đã góp phần “nuôi dưỡng” những mầm mống bạo lực ở chốn học đường. Và, trên hết, thái độ đó thể hiện sự “chạy trốn” trách nhiệm, do liên quan đến… thành tích của đơn vị!?

Châu Khánh

Tại hội thảo khoa học “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” tổ chức ngày 19/5/2019, GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu: “Trước hết, học là phải làm người, làm việc rồi mới làm cán bộ. Tư tưởng này vô cùng quan trọng, bởi đâu đó không ít người nghĩ học để làm cán bộ rồi mới làm việc, mới làm người. Điều này trái với tư tưởng, đạo đức của Bác”.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.