Giáo dục - Học Đường

Ngăn chặn bạo lực chốn học đường

Thứ Sáu, 24/05/2019 | 15:29

>> Bài 2: Khi đạo đức “xuống cấp”

Bài cuối: Xin đừng “trăm dâu đổ đầu… thầy”!?

Sở dĩ có chuyện “trăm dâu đổ đầu… thầy” như hiện nay là do gia đình “khoán trắng” trách nhiệm giáo dục con em của mình cho giáo viên, cho nhà trường. Họ mặc nhiên xem đó là trách nhiệm của ngành Giáo dục mà quên rằng gia đình chính là môi trường giáo dục đầu tiên, nơi quan trọng để trẻ định hình nhân cách…

Trường tiểu học Hộ Phòng A (TX. Giá Rai) - một trong những ngôi trường có bề dày thành tích trong dạy và học. Ảnh: M.Đ

Trăm dâu đổ đầu… thầy

Người thầy hiện nay chịu một áp lực rất nặng nề từ xã hội, áp lực về thành tích bản thân, thành tích của học sinh, nhà trường… nên tâm lý lúc nào cũng “căng thẳng”. Để thực hiện tốt nhiệm vụ “trồng người” đúng nghĩa, người thầy phải vững vàng, đủ bản lĩnh để vượt qua những khó khăn, thử thách.

Sở dĩ có chuyện “trăm dâu đổ đầu… thầy” như hiện nay là do gia đình “khoán trắng” trách nhiệm giáo dục con em của mình cho người thầy, cho nhà trường. Họ mặc nhiên xem đó là trách nhiệm của ngành Giáo dục mà quên rằng gia đình chính là môi trường giáo dục đầu tiên, nơi quan trọng để trẻ định hình nhân cách. Dù ở trường người thầy có truyền dạy “lời hay ý đẹp” nhưng khi về nhà, trẻ tiếp xúc với những văn phong “chợ búa”, bạo lực gia đình… thì dần dà trẻ cũng bị “tiêm nhiễm” đến mức người thầy không thể dạy dỗ, uốn nắn được.

Câu chuyện của một phụ huynh đến trường nhục mạ người thầy với khẩu khí “bộ quần áo thầy mặc trên người chưa chắc giá trị bằng cái quần của con tôi” khi con gái mất chiếc quần short, rồi quay video tung lên mạng xã hội xảy ra tại Trường THCS T.H (TP. Bạc Liêu) đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng một thời gian dài. Nhà trường, ngành Giáo dục và UBND TP. Bạc Liêu phải vào cuộc quyết liệt để giải quyết, làm sáng tỏ vấn đề. Biết mình “đã sai”, vị phụ huynh kia lập tức “khóa mạng”, tắt hết chế độ tương tác và “cử” chồng đi “xin lỗi” trong buổi họp giải quyết vụ việc… Một lời xin lỗi đối với người bị mình xúc phạm, miệt thị cũng không có thì thử hỏi cách sống, cách “đối nhân xử thế” của vị phụ huynh kia sẽ được chính con cái họ nhìn nhận như thế nào?

Hay như câu chuyện phụ huynh leo rào vào trường mầm non để tìm cô giáo “nói chuyện cho ra lẽ”. Nguyên nhân là trong giờ rước trẻ, 2 bé đùa giỡn với nhau rồi cùng té xuống nền gạch. Người mẹ trẻ nhìn thấy nên “nóng ruột”, đôi co, lời qua tiếng lại nặng nề với cô giáo về cách trông giữ trẻ. Không vừa lòng với cách giải thích “trẻ đông quá nên em trông không xuể” của cô giáo, người mẹ liền gọi điện thoại về nhà. Anh chồng lập tức đến trường và leo rào vào để tìm cô giáo… Sự việc đã làm náo loạn cả trường. Chưa dừng lại ở đó, đôi vợ chồng này còn gặp Hiệu trưởng nhà trường, xin cho con mình chuyển sang lớp khác…

Những vụ việc trên cho thấy, với cách hành xử “thiếu văn hóa” như thế của phụ huynh đối với người thầy trực tiếp dạy dỗ con em mình thì thử hỏi, những đứa trẻ khi ở gia đình sẽ được truyền dạy những gì? Phụ huynh xúc phạm, xem thường, thậm chí bạo hành đối với giáo viên đang là một hành vi xấu xí, đi ngược lại với truyền thống, đạo lý, văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Làm sạch… môi trường giáo dục

Vấn nạn bạo lực học đường đã có từ rất lâu, và dù có rất nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại âm ỉ như một vết thương không lành. Đó không chỉ là “nỗi đau” của riêng ngành Giáo dục mà còn là nỗi đau của toàn xã hội, của mỗi gia đình có con em bị bạo hành…

Đơn cử như Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; Quyết định số 5886 của Bộ GD-ĐT về Chương trình hành động phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017 - 2021; Kế hoạch số 19, ngày 11/2/2019 của UBND tỉnh, Kế hoạch số 11, ngày 26/3/2019 của Sở GD-KH&CN về tăng cường phòng chống bạo lực học đường và vi phạm pháp luật ở các cơ sở giáo dục, lớp học độc lập trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2019 - 2021… Nghĩa là, các trường đã được trang bị đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở phòng chống bạo lực học đường, nhưng thực tế thì hiệu quả chưa cao (do nhiều nguyên nhân). 

Hiện nay, để tăng cường công tác phòng chống bạo lực học đường, ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện đề án xây dựng văn hóa trường học. Đây được kỳ vọng sẽ là một giải pháp hữu hiệu, góp phần nâng cao văn hóa ứng xử và làm “trong sạch” môi trường giáo dục. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cái cốt lõi để giải quyết vấn đề trước mắt và lâu dài là ngành Giáo dục phải đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, phải lấy lễ nghĩa làm đầu trong công tác giáo dục. Phải lấy “tiên học lễ, hậu học văn”, “học để làm người” như lời Bác dạy làm “kim chỉ nam” thay cho những cụm từ “học thật, thi thật” lâu nay đã trở thành “sáo rỗng”. Phải tăng cường mối liên kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác quản lý, giáo dục học sinh. Làm cho mỗi gia đình nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục con em mình, tuyệt đối không phó thác mọi chuyện cho nhà trường, thầy cô…

Người thầy phải làm tấm gương sáng cho học sinh noi theo, phải đẩy mạnh phong trào nêu gương người tốt - việc tốt trong tất cả cán bộ, giáo viên và  học sinh. Có như thế thì môi trường giáo dục mới đi vào nền nếp, đồng nghiệp thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau cả trong công việc, trong cuộc sống, học trò kính trọng, lễ phép với cha mẹ, thầy cô, thương yêu bè bạn… Khi đó thì tin rằng, tình trạng bạo lực học đường nhất định sẽ không xảy ra.

Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.