Giáo dục - Học Đường

Ngành Giáo dục Bạc Liêu: Học Bác từ những việc hàng ngày

Thứ Hai, 08/10/2018 | 17:29

Bài 1: Ý nghĩa lớn từ những đồng tiền… lẻ!

Học Bác từ những việc hàng ngày, học từ những điều nhỏ nhất để thấy mình trưởng thành hơn trong cuộc sống là tâm niệm và việc làm mỗi ngày của nhiều người, không chỉ riêng cán bộ, đảng viên. Theo đó, ngành Giáo dục có nhiều công trình, phần việc và “cách” học rất riêng dành cho giáo viên và học sinh, mang đậm tính đặc thù trong môi trường giáo dục.

Niềm vui trong “Ngày hội khui heo đất” của học sinh Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm (TP. Bạc Liêu).

Với cách làm của mình, mỗi năm học đều có hàng ngàn học sinh nghèo được giúp đỡ, hỗ trợ học bổng, xe đạp, sách, vở… để viết tiếp ước mơ trên con đường học vấn và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Từ nuôi heo đất khuyến học…

Ngay từ năm 2013, phong trào “Nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học” do Hội Khuyến học tỉnh phát động được thực hiện và nhân rộng không chỉ trong các cấp Hội, mà còn lan tỏa tại tất cả các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Đây là phong trào gây dựng quỹ khuyến học một cách tự nguyện từ ý thức của mỗi người để chăm lo việc học hành cho con em ở các địa phương trong tỉnh.

Ông Nguyễn Kiên Nhẫn, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: “Phong trào “Nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học” trên địa bàn tỉnh thời gian qua diễn ra rất có hiệu quả. Đây cũng là phong trào thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tiết kiệm được các cấp Hội và các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm, nhất là ngành Giáo dục chỉ đạo rất sát sao. Điểm nhấn của phong trào này là đã thể hiện tinh thần tiết kiệm, ý thức không tiêu xài phung phí của học sinh. Ý nghĩa lớn nhất là thông qua phong trào đã làm dấy lên sự đoàn kết, yêu thương, chia sẻ của những em học sinh có điều kiện đối với những em còn gặp nhiều khó khăn. Sự sẻ chia chân tình ấy đã khích lệ, động viên các em cố gắng học tập tốt, xây dựng lớp học thân tình, chan hòa tình nghĩa bạn bè, xây dựng trường học thân thiện”.

Theo đánh giá, có được hiệu quả ấy là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Hội Khuyến học các cấp với chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và ngành Giáo dục. Đặc biệt, đối với phong trào cũng đã và đang được phụ huynh học sinh, quần chúng nhân dân hưởng ứng tích cực làm cho công tác khuyến học đi sâu, lan tỏa đến từng hộ gia đình.

Theo đó, từ năm 2013 đến nay, phong trào đã huy động gần 136 tỷ đồng. Riêng trong 9 tháng của năm 2018, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức khui hơn 75.200 con heo đất thu được số tiền gần 42 tỷ đồng. Tất cả số tiền tiết kiệm thu được từ những tấm lòng “thơm thảo” này đã “hóa” thành hàng ngàn suất học bổng, hàng trăm chiếc xe đạp, dụng cụ học tập, sách vở… nâng bước học sinh nghèo đến trường.

Mỗi con heo đất khi được khui ra thường thu về số tiền tiết kiệm không lớn, nhưng lại thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, thể hiện tấm lòng của các cô cậu học trò nhỏ với ước muốn chia sẻ, giúp đỡ bạn bè trong lúc khó khăn. Đó là bài học đầu đời về cách ứng xử thấm đẫm tình người, tình đồng loại mà các em nhận lại được.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) đóng góp quỹ “Giúp bạn vượt khó” năm học 2018 - 2019. Ảnh: C.K

…Đến chung tay “Giúp bạn vượt khó”

Không chỉ có phong trào “Nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học”, nhiều năm qua, ngành Giáo dục cũng phát động sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với nhiều công trình, phần việc ý nghĩa.

Nếu như cán bộ quản lý, nhà giáo nghiêm túc thực hiện các cuộc vận động “Hai không”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”…, thì học sinh cũng có những công trình, phần việc của riêng mình để noi gương Bác. Trong đó nổi bật là phong trào “Giúp bạn vượt khó” của ngành Giáo dục huyện Hồng Dân. Phong trào này được thực hiện từ năm học 2012 - 2013. Ông Lê Văn Phúc, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hồng Dân, cho biết: “Ngay đầu mỗi năm học, chúng tôi đều có công văn chỉ đạo các trường tổ chức phát động phong trào “Giúp bạn vượt khó” để huy động sự đóng góp của phụ huynh, học sinh, cán bộ, giáo viên dưới hình thức tự nguyện nhằm có điều kiện chăm lo tốt hơn cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong huyện”.

Hình thức thực hiện là trong các buổi chào cờ đầu tuần, Ban giám hiệu trường sẽ kêu gọi sự đóng góp tự nguyện của giáo viên và học sinh trong trường, ai có bao nhiêu góp bấy nhiêu, không quy định số tiền. Từ khi phát động đến nay, phong trào đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Các trường đã vận động hơn 314 triệu đồng, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho 2.128 lượt học sinh nghèo với hình thức tặng học bổng. Em Trần Thị Nhi, học sinh lớp 9A, Trường THCS Nguyễn Du (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Trong năm học qua, em được nguồn quỹ “Giúp bạn vượt khó” hỗ trợ 2 lần. Lần đầu được hỗ trợ 200.000 đồng, lần sau được hỗ trợ 220.000 đồng. Số tiền này em dùng để sửa xe đạp và mua dụng cụ học tập. Sự hỗ trợ này đối với em rất có ý nghĩa, vì hiện gia đình đang gặp khó khăn, nhà có đến 3 chị em đi học, cha mẹ không có đất sản xuất, không nghề nghiệp ổn định”.

Không chỉ phát động các phong trào, ngành Giáo dục huyện Hồng Dân còn chú trọng công tác nêu gương người tốt - việc tốt trong các buổi chào cờ đầu tuần nhằm biểu dương những tấm gương chăm ngoan, học giỏi, tích cực giúp đỡ bạn bè của học sinh, gương giáo viên, cán bộ quản lý vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Theo đó đã có 222 giáo viên, 918 học sinh được nêu gương điển hình người tốt - việc tốt dưới cờ.

Những đồng tiền lẻ thông qua các phong trào “Nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học” hay “Giúp bạn vượt khó”… đã thể hiện sự đoàn kết, sẻ chia với bạn bè trong lúc khó khăn của những cô cậu học trò. Đó cũng là ý nghĩa thật sự của những đồng tiền lẻ khi mang lại niềm vui, cơ hội tiếp bước đến trường cho những học sinh nghèo.

Bài 2: Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành Giáo dục. Mỗi đảng bộ, chi bộ, cán bộ, đảng viên, giáo viên, học sinh đều có cách học, cách làm của riêng mình mang lại hiệu quả thiết thực.
Những việc làm tuy nhỏ như: giáo viên nhận đỡ đầu học sinh yếu kém, học sinh chung tay giúp đỡ bạn khó khăn… nhưng lại có ý nghĩa vô cùng to lớn, thể hiện tinh thần gương mẫu, tính nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, nhà giáo, học sinh tinh thần học Bác trong việc yêu thương, quý trọng con người.

“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ…”
Bác từng dạy rằng “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình…”. Đó cũng là câu khẩu hiệu hành động của học sinh khi tham gia những hoạt động “Giúp bạn vượt khó”, “Giúp bạn đến trường”… ở các trường học.
Cầm trên tay phiếu bình chọn “Vì bạn nghèo” của học sinh Trường THPT Nguyễn Trung Trực (TX. Giá Rai) mà tôi thật sự xúc động. Những tấm phiếu này được bán với giá 2.000 đồng để bình chọn những tiết mục văn nghệ yêu thích. “Giá trị” thật sự của tấm phiếu là tất cả số tiền thu được dùng để hỗ trợ học sinh nghèo thông qua nguồn quỹ “Giúp bạn đến trường”.
Nguồn quỹ này còn được tạo dựng thông qua phong trào thu gom vỏ chai nhựa để bán lấy tiền. Những vỏ chai nước lọc, nước ngọt… trước đây thường nằm lăn lốc ở góc lớp, sân trường, nay được các em học sinh tự giác thu gom vào chỗ tập kết dưới chân cầu thang. Khi nhiều thì được bán để lấy tiền giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần mà còn góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường sư phạm sạch đẹp. Anh Lâm Hoàng Nool, Bí thư Đoàn trường, chia sẻ: “Thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, Đoàn trường đã tổ chức rất nhiều phong trào. Trong đó chú trọng đến hiệu quả việc làm theo lời Bác cho tất cả đoàn viên - thanh niên. Từ đó, chất lượng các phong trào ngày càng được nâng cao, ý thức học sinh được nâng lên, nhất là việc sẻ chia khó khăn, giúp đỡ bạn bè trong học tập và cuộc sống. Đó cũng chính là thành công lớn nhất của các phong trào của nhà trường khi thực hiện học tập và làm theo lời Bác”.
Những việc làm hàng ngày tuy nhỏ ấy của học sinh nhà trường đã góp phần hỗ trợ thường xuyên 150.000 đồng/tháng cho 20 bạn có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà tết cho học sinh nghèo với tổng số tiền hơn 23 triệu đồng; tặng 80 phần quà và 170 chiếc lồng đèn cho các em học sinh mầm non và tiểu học vui Tết Trung thu…

Em Lê Hồng Công, lớp 9C, Trường THCS Nguyễn Du đóng góp quỹ “Giúp bạn vượt khó”.

Đẹp thay những tấm lòng “mẹ hiền”…
Việc học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thật sự lan tỏa sâu rộng trong toàn ngành Giáo dục khi mỗi người đều tự giác, tự thân rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, tự học để nâng cao tay nghề, bản lĩnh chính trị… Việc học Bác không phải ở đâu xa mà được thể hiện qua những việc làm, hành động hàng ngày của mỗi người.
Phong trào “Giáo viên nhận đỡ đầu học sinh yếu kém” của ngành Giáo dục được thực hiện nhiều năm liền và mang lại hiệu quả rất cao. Những giáo viên ấy không chỉ giúp đỡ học sinh bằng sự truyền dạy kiến thức, mà còn nhiệt tình giúp đỡ các em trong cuộc sống. Nhiều giáo viên khi nhận đỡ đầu học sinh, biết gia cảnh khó khăn nên đã tự bỏ tiền túi để mua sắm dụng cụ học tập, hỗ trợ gạo hàng tháng… để em yên tâm đến lớp.
Câu chuyện của một nữ giáo viên một trường THCS ở xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu) đi tìm học sinh trở lại lớp làm tôi nhớ mãi. Do nhà nghèo nên mới học hết lớp 8, học sinh ấy đã đi làm công nhân ở nhà máy thủy sản. Ngày tựu trường của năm học mới 2018 - 2019 sắp đến mà không thấy em ra lớp, vậy là giáo viên đến tận nhà tìm thì không thấy ai. Dò hỏi mãi và tận dụng tất cả các mối quan hệ, cuối cùng cô giáo cũng biết em đi làm công nhân. Sau nhiều ngày kiên trì dầm mưa dãi nắng “phục kích” gần công ty thủy sản nơi em làm việc, cuối cùng cô giáo kia cũng gặp được em học sinh và bằng tình cảm của người “mẹ hiền”, cô đã vận động em trở lại lớp, tiếp tục việc học hành.
Họ không chỉ trao kiến thức mà còn trao cho các em cả tình thương của người “mẹ hiền”. Sự ân cần, nhiệt tình ấy đã hướng các em đến những điều tốt đẹp, giúp các em nỗ lực vượt lên bản thân, vượt lên hoàn cảnh để học tập tốt, sống tốt hơn.

Trường THPT Nguyễn Trung Trực tạo nguồn quỹ “Giúp bạn đến trường” từ việc vận động học sinh thu gom vỏ chai nhựa và mua phiếu bình chọn “Vì bạn nghèo. Ảnh: C.K
 

Thay lời kết
Người viết xin lấy hình ảnh của một học sinh để minh chứng cho sức lan tỏa của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là khi tôi đang ghi hình các em học sinh Trường THCS Nguyễn Du (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) đóng góp quỹ “Giúp bạn vượt khó” thì nghe rất nhiều tiếng xì xầm. Tôi ngẩng mặt lên thì thấy em Lê Hồng Công, học sinh lớp 9C của trường đang chuẩn bị góp quỹ. Điều đặc biệt là em Công bị dị tật bẩm sinh, em không có 2 bàn tay như các bạn và gia cảnh cũng rất khó khăn nhưng khi trường phát động quỹ “Giúp bạn vượt khó” thì em tham gia rất tích cực với suy nghĩ “còn nhiều bạn khác khó khăn hơn mình”. Đó là hình ảnh đẹp và xúc động nhất mà tôi ghi được trong chuyến công tác của mình. Suy nghĩ của em Công cũng là điều giản dị nhất cho thấy sự lan tỏa của một việc làm tuy nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa đã thật sự tác động đến các em. 
Và cuộc sống sẽ đẹp hơn lên từ những điều giản dị như thế!
Châu Khánh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.