Giáo dục - Học Đường

Ngành Giáo dục huyện Vĩnh Lợi:​ Vươn lên từ gian khó

Thứ Tư, 28/10/2020 | 17:07

Sau 15 năm chia tách huyện Vĩnh Lợi thành 2 huyện Hòa Bình và Vĩnh Lợi (2005 - 2020), ngành Giáo dục huyện Vĩnh Lợi đã vượt qua nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên… để vươn lên là một trong những địa phương có nền giáo dục mạnh của tỉnh với nhiều trường đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục, phong trào thi đua luôn đứng trong tốp đầu.

Lãnh đạo huyện Vĩnh Lợi trao Bằng công nhận đạt chuẩn quốc gia cho 12 đơn vị trường học trong huyện.

TỪ TRONG GIAN KHÓ…

Cùng với các cơ quan, đơn vị khác khi huyện chia tách, Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Lợi cũng được thành lập với nhiều khó khăn vì thiếu cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đội ngũ cán bộ quản lý vừa thiếu vừa yếu về kinh nghiệm; giáo viên cũng thiếu, phần đông lại chưa đạt chuẩn…

Theo số liệu thống kê, năm học 2005 - 2006, cấp học mầm non của huyện chỉ có 3 trường mẫu giáo với 67 lớp và 2 nhóm trẻ; cấp tiểu học có 19 trường với 337 lớp và cấp THCS có 6 trường với 122 lớp. Đến cuối học kỳ 1, so với tỷ lệ học sinh đầu năm thì đã giảm 6 lớp do học sinh bỏ học. Trong đó, cấp mầm non giảm 1 lớp, cấp tiểu học giảm 2 lớp và cấp THCS giảm 3 lớp.

Thời điểm này, tình trạng học sinh bỏ học cũng là một trong những vấn đề nan giải không chỉ của riêng ngành Giáo dục mà là tình trạng chung của các địa phương khi đời sống của một bộ phận người dân còn gặp khó khăn, cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn còn nhiều trắc trở.

Về đội ngũ nhà giáo, tính đến ngày 15/1/2006, toàn ngành có 850 người. Trong đó, Phòng GD-ĐT chỉ có 4 người, cấp mầm non có 73 người, tiểu học có 519 người và THCS có 254 người. So với định mức giáo viên/lớp thì ngành vẫn còn thiếu rất nhiều giáo viên khi tỷ lệ giáo viên/lớp của cấp học mầm non chỉ đạt 0,9; cấp tiểu học đạt 1,25 và cấp THCS đạt 1,93. Không chỉ thế, tỷ lệ chuẩn hóa vẫn còn rất thấp khi cấp mầm non có 94,4% đạt trình độ sư phạm mẫu giáo 9+3 trở lên. Trong đó, trình độ chuyên môn 12+2 chỉ có 23,6%; cấp tiểu học có 41,9% đạt trình độ sư phạm tiểu học 12+2 trở lên. Trong đó, trình độ đại học chỉ có 11,1%; cấp THCS có 94,7% đạt trình độ cao đẳng sư phạm trở lên (trình độ đại học là 46,6%).

Những con số trên cho thấy, với một ngành Giáo dục vừa được chia tách, thành lập mới thì gần như tất cả phải làm lại từ đầu trên nền tảng vừa thiếu, vừa yếu về mọi mặt. Đứng trước những khó khăn có lúc tưởng như không thể vượt qua ấy, tập thể cán bộ, nhà giáo của toàn ngành đã phấn đấu, đoàn kết, từng bước vượt qua những thách thức, khó khăn để dạy tốt - học tốt.

Ở cấp học mầm non, năm học 2005 - 2006 cũng là năm đầu tiên thực hiện đồng thời cả 2 chương trình cải cách và chương trình “đổi mới hình thức”. Đối với 726 cháu học chương trình cải cách có 23,1% cháu được đánh giá đạt loại giỏi, 26,7% loại khá. Riêng chương trình đổi mới có 62,7% cháu phát triển về thể chất, 55,9% phát triển về tình cảm…

Cũng ở năm học này, các khối lớp 1, 2, 3, 4 của cấp tiểu học với 6.402 học sinh thực hiện học theo chương trình thay sách giáo khoa với nhiều bỡ ngỡ đối với đội ngũ đứng lớp. Tuy nhiên, với sự nhiệt huyết của đội ngũ nhà giáo, đã có 18,6% học sinh đạt loại giỏi môn Tiếng Việt, trên 90% đạt từ trung bình trở lên. Cấp THCS có tỷ lệ đạt từ trung bình trở lên trên 83%, loại giỏi gần 12%...

Học sinh Trường tiểu học Hoa Lư (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi) trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: C.K

… ĐẾN KHẲNG ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

Qua 15 năm chia tách, với sự chung sức, đồng lòng của tập thể, ngành Giáo dục huyện Vĩnh Lợi đã vượt qua nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo… để vươn lên là một trong những địa phương có nền giáo dục mạnh của tỉnh với nhiều trường đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục, phong trào thi đua luôn đứng trong tốp đầu của ngành Giáo dục tỉnh.

Để có được thành quả ấy, nhiều năm qua, ngành Giáo dục huyện luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho sự nghiệp “trồng người”. Nhờ đó mà lĩnh vực giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện. Đến nay huyện đã có 24/28 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 19 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Nhiều đơn vị trường học được xây dựng mới hoàn toàn, đồng bộ. Đây cũng là địa phương đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi nhiều năm liền, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS mức độ 3 và chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo của toàn ngành đã có 100% đạt chuẩn, trên chuẩn có trên 60%. Về chất lượng giáo dục, hàng năm đều có 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, 100% học sinh tốt nghiệp THCS. Trong các phong trào thi đua do ngành Giáo dục tỉnh phát động như: Hội khỏe Phù Đổng, phong trào thi đua khối các phòng GD-ĐT, Cuộc thi khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh…, đơn vị luôn đứng trong tốp đầu.

Bà Đoàn Thị Thùy Linh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Lợi, cho biết: “So với khi mới được chia tách, thành lập thì hiện nay ngành Giáo dục của huyện đã phát triển rất nhiều. Từ thiếu cơ sở vật chất, đến nay toàn ngành đã có đủ trường, lớp để bảo đảm triển khai hiệu quả các hoạt động giáo dục. Qua đó, chất lượng giáo dục của địa phương ngày càng được nâng lên, các phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực, phong trào xanh - sạch - đẹp… ngày càng được chú trọng và phát triển toàn diện”.

Sau 15 năm với bao khó khăn, thử thách, ngành Giáo dục huyện Vĩnh Lợi đã chuyển mình đi lên và đứng trong tốp đầu của ngành Giáo dục tỉnh. Đó cũng chính là nền tảng, động lực để toàn ngành Giáo dục huyện tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người” được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.

CHÂU KHÁNH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.