Giáo dục - Học Đường

Những câu chuyện đằng sau cuộc họp phụ huynh

Thứ Sáu, 18/01/2019 | 16:16

“Rồi đây sẽ có thêm nhiều mảnh đời bất hạnh sau cuộc họp phụ huynh”, hay “Đừng để buổi họp phụ huynh làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Vài ba con số hay dăm ba cái danh hiệu không thể quan trọng bằng một cái tết sum vầy và đầm ấm được!”, “Dù có chuyện gì đi nữa con vẫn là con của ba mẹ. Yêu ba mẹ nhiều. Mong ba mẹ cũng yêu con”… Đó là những dòng “tâm thư” đang gây sốt trên mạng xã hội mà nhiều bạn trẻ chia sẻ rầm rộ thay cho nỗi lòng muốn gửi gắm đến giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ sau các buổi họp phụ huynh thông báo kết quả học tập học kỳ 1 trước kỳ nghỉ tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Học sinh Trường THPT Gành Hào (huyện Đông Hải) chờ bên ngoài khi phụ huynh tham dự buổi họp cuối năm với giáo viên chủ nhiệm bên trong phòng học. Ảnh: Đ.K.C

Căng thẳng đến mất ăn mất ngủ

Có thể nói, những dòng “tâm thư” ấy đã phần nào phản ánh đúng tâm trạng phấp phỏng của học trò trước và sau những buổi họp phụ huynh. Chúng tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với 100 đối tượng là học sinh THPT thì có hơn 90 em cho rằng mình đang chịu áp lực rất lớn từ gia đình, thầy cô, chương trình học. Điều này cũng dễ hiểu khi học sinh khối 12 phải đối diện với những kỳ thi quan trọng, nhưng các em vẫn chưa đủ kiến thức, hiểu biết để kiểm soát hành vi, giải tỏa áp lực và lâu dần dễ hình thành nên những suy nghĩ tiêu cực. Bởi vậy, những cuộc họp phụ huynh cuối năm dễ khiến các đối tượng này lo lắng, bất an.

Bạn T.K.D, học sinh khối 12 một trường THPT trên địa bàn huyện Đông Hải, chia sẻ: “Sự thấp thỏm, lo âu trước và sau mỗi cuộc họp phụ huynh không riêng gì với những bạn đạt kết quả học tập không tốt, mà ngay cả những bạn có lực học khá giỏi cũng vậy, vì đôi khi những thứ hạng, kết quả đạt được không như kỳ vọng của ba mẹ. Và kéo theo đó có thể là những lời nói khó nghe, những cuộc chiến tranh lạnh, thậm chí bị tịch thu điện thoại, “tước quyền” lên mạng…”.

Sau mỗi kỳ họp phụ huynh là những gương mặt ủ dột tới trường với những câu hỏi cửa miệng thường trực khi gặp nhau: “Bạn có bị ba mẹ nói gì không? Ba mẹ có động thái gì không? Còn được ba mẹ cho sử dụng điện thoại không?”… Điều này cho thấy, học sinh đang chịu áp lực lớn về kết quả học tập, về sự kỳ vọng mà ba mẹ, gia đình đặt lên vai mình. “Bị điểm thấp, kết quả học tập không như mong đợi, chúng em đã rất buồn rồi! Thay vì la mắng, trách phạt, tạo thêm áp lực thì ba mẹ, gia đình hãy cho chúng em những lời động viên, an ủi, cho chúng em thêm những điểm tựa tinh thần để nỗ lực hơn trong thời gian tới”, bạn Đ.K.L, học sinh khối 10 địa bàn huyện Phước Long, bày tỏ nỗi lòng.

Phụ huynh hãy là những chiếc phao ấm áp

Mỗi lần đến kỳ họp phụ huynh cuối năm là một số gia đình lại mất hòa khí, vì vợ chồng cứ đổ lỗi cho nhau việc thiếu quan tâm đến chuyện học hành của con. Nhiều gia đình sau khi nhận được thông báo về kết quả học tập của con còn quản lý gắt gao lịch học tập, sinh hoạt cá nhân của con, thậm chí đánh mắng khiến các em cảm thấy bị tổn thương, sa sút tinh thần. Việc không ở bên con, thông cảm, sẻ chia cùng con, mở cho con một lối thoát mà cứ tạo thêm áp lực kiểu ấy dễ khiến con nghĩ quẩn, thậm chí có những suy nghĩ tiêu cực, hành động dại dột.

Vẫn biết mỗi giai đoạn phát triển, mỗi độ tuổi học trò sẽ có những đặc điểm tâm sinh lý riêng, đặc biệt là độ tuổi THPT các em thường không muốn ba mẹ áp đặt kỳ vọng lên người mình, mà cần những lời khuyên, sự định hướng nhẹ nhàng, dễ nghe. Cho nên, các bậc phụ huynh đừng mong muốn con em mình trở thành người A, giống người B, hay đem con mình so sánh với bạn bè cùng lớp… sẽ khiến các em dễ tổn thương, thêm áp lực. Một đứa trẻ được sinh ra, giáo dưỡng trong môi trường tốt thì sẽ phát triển những kỹ năng, tố chất tốt nhất của riêng mình, quan trọng là phụ huynh có nhận ra và khai thác tốt hay không mà thôi.

Bởi vậy, thay vì cùng nhau rơi vào bế tắc, các bậc phụ huynh hãy là những người thông thái, những người bạn đồng hành giúp con mình vượt qua mọi trở ngại, khó khăn để hướng đến một tương lai xán lạn ở phía trước!

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.