Giáo dục - Học Đường

Nỗ lực vượt khó của các trường vùng sâu

Thứ Sáu, 14/09/2018 | 15:29

Dù công tác, học tập trong điều kiện thiếu thốn về mọi mặt nhưng thầy và trò các trường vùng sâu xa luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, ra sức thi đua dạy tốt - học tốt, góp phần rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các trường thành thị và nông thôn. Khởi động năm học mới với quyết tâm cao, năm học 2018 - 2019 hứa hẹn sẽ là năm thầy và trò các trường vùng sâu gặt hái thêm những thành tích mới.

Giờ học giáo dục thể chất của học sinh Trường THCS thị trấn Phước Long (huyện Phước Long) năm học 2018 - 2019. Ảnh: Đ.K.C

Nỗ lực bám lớp, bám trường

Xã An Phúc là địa bàn vùng sâu của huyện Đông Hải với cơ sở vật chất, hạ tầng còn nhiều khó khăn, hạn chế; nhiều tuyến đường chưa có lộ nhựa, dân cư thì phân bố rải rác, một số nơi còn bị “cô lập” bởi địa thế hiểm trở do không thể di chuyển bằng đường thủy, còn đường bộ chỉ thuận lợi vào mùa khô… Điều này gây ra nhiều trở ngại cho công tác huy động học sinh trong độ tuổi đến trường. Khó khăn là vậy, nhưng với thầy và trò Trường THCS Lương Thế Vinh đó lại là động lực để họ thêm quyết tâm bám lớp, bám trường, ra sức thi đua, hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm học mới.

Với quyết tâm không để bất kỳ học sinh nào phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, hàng năm trường luôn phân công giáo viên đỡ đầu học sinh nghèo, học sinh yếu kém về học lực. Không chỉ giúp đỡ tại lớp, giáo viên còn đến tận nhà để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh gia đình, từ đó có hướng hỗ trợ kịp thời. Ngoài việc tranh thủ các nguồn học bổng từ các tổ chức, đoàn thể, mạnh thường quân…, trường còn chủ động xây dựng quỹ khuyến học để giúp đỡ học sinh nghèo thông qua đóng góp tự nguyện của giáo viên và phong trào “Nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học” ở các lớp. Và cũng vì quyến luyến nơi này, mà nhiều thầy cô ở xa về trường công tác đã chọn An Phúc làm “quê hương thứ hai” để gắn bó cuộc đời mình với học trò nghèo.

Không khí học tập, thi đua sôi nổi của thầy và trò các trường vùng sâu, vùng xa huyện Hồng Dân đầu năm học mới khiến chúng tôi vững tin hơn khi nghĩ về lớp người kế thừa tương lai của quê hương này. Mới cách đó gần 2 tháng, thầy cô giáo, các tổ chức, đoàn thể địa phương phải “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động học sinh (nhất là con em hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn) ra lớp, vậy mà giờ đây đám trẻ đã tự tin hòa mình vào những bài giảng đầy hứng khởi tại các lớp học.

Công tác vận động học sinh ra lớp cũng là trăn trở lớn của các xã vùng ven như: Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình); Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông, Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu)… Bởi, học sinh dân tộc Khmer, con em hộ nghèo, cận nghèo đều chiếm đa số. Thường cha mẹ các em hay đi làm ăn xa, các em phải ở cùng ông bà nên chuyện lo cái ăn cái mặc đã khó, nói chi đến chuyện học hành. Vì vậy, với những trường hợp này, các trường phải miễn hoàn toàn học phí, và còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ học bổng, quần áo, sách vở, bảo hiểm y tế… Ngày các em trở lại lớp học, các em vui một, nhưng thầy cô, ban giám hiệu các trường lại vui đến mười!

Quyết tâm gặt hái những thành tích mới

Với quyết tâm bám trường, bám lớp, thầy trò các cấp học địa bàn vùng sâu, vùng xa đã nỗ lực vượt lên chính mình, cố gắng khắc phục khó khăn, tranh thủ các nguồn xã hội hóa, kinh phí sự nghiệp giáo dục để mở rộng mạng lưới trường lớp; sửa chữa và nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đồ dùng giảng dạy và học tập… Hàng ngàn suất học bổng, xe đạp, quần áo, đồ dùng học tập… đều đến tay học sinh nghèo mỗi dịp khai giảng năm học mới như những món quà tiếp sức đầy ý nghĩa. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục nông thôn, vùng sâu, vùng xa có nhiều chuyển biến tích cực.

Không chỉ vậy, nhiều phong trào thi đua trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh được phát động rầm rộ như: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Giúp đỡ học sinh yếu kém”… Qua đó đã góp phần thay đổi diện mạo cho bức tranh giáo dục vùng sâu những năm qua.

Phát huy những thành tích đạt được, năm học 2018 - 2019, các trường vùng sâu, vùng xa của tỉnh hạ quyết tâm tiếp tục tăng cường khối đoàn kết thống nhất, phát huy dân chủ; tập trung chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành và thi hành công vụ; nêu cao ý thức tự học, tự rèn luyện để không ngừng hoàn thiện năng lực chuyên môn, phẩm chất, đạo đức của cán bộ, giáo viên. Đặc biệt là quan tâm giáo dục đạo đức, kỹ năng, ý thức tự rèn luyện và học tập của học sinh; tập trung thi đua “dạy thật - học thật” để vươn tới mục tiêu “dạy tốt - học tốt” và môi trường giáo dục thật sự thân thiện, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm.

Ông Quách Bửu Thông, Hiệu trưởng Trường THPT Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) cho rằng: “Để gặt hái thêm những thành tích mới, trong năm học này, mỗi cán bộ quản lý và giáo viên cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các công trình, phần việc về thi đua dạy tốt - học tốt, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Song song đó, đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh; chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống. Tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc, đỡ đầu học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Và tăng cường hơn nữa kỷ cương, xây dựng môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh, giúp các em phát triển toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ…”.

Khởi động năm học mới với những quyết tâm mới, tin rằng thầy và trò các trường vùng sâu sẽ phát huy những thành tích đạt được, nỗ lực vươn tới những tầm cao mới trên hành trình nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà.

Thư các

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.