Giáo dục - Học Đường

Sáng mãi hình ảnh người thầy

Thứ Sáu, 17/11/2017 | 16:48

Gần trọn đời người mải mê đi “gieo chữ”, họ đã dùng cái tâm sáng của mình để góp phần làm nên sự thành đạt của bao lớp nhân tài. Những nhà giáo chân chính ấy như những con ong cần mẫn góp mật ngọt xây đời. Giờ đây, trong số họ có người đã nghỉ hưu, có người vẫn còn công tác trong ngành, nhưng dù ở bất kỳ vai trò, cương vị nào họ vẫn mãi tỏa sáng, làm rạng rỡ thêm “tượng đài” về người thầy trong lòng bao thế hệ.

Thầy Đinh Văn Tài (ảnh trên); thầy Dương Hoài Ngọc (ảnh dưới, thứ 7 từ phải sang) trao giấy khen cho các gia đình, dòng họ học tập tiêu biểu giai đoạn 2015 - 2017. Ảnh: Đ.K.C

Thầy Đinh Văn Tài (giáo viên Toán, Trường THPT Chuyên Bạc Liêu) kể ra hàng chục cái tên học trò gắn với những đặc tính riêng như “học quyết liệt”; “trí nhớ tốt, sâu sắc”; “tập trung cao”… và cười hiền: “Đó là những lứa học trò hun đúc hơn tình yêu nghề và giúp thầy vững niềm tin rằng lựa chọn của mình là đúng!”.

Tốt nghiệp Đại học Vinh, anh giáo trẻ xứ Nghệ tình nguyện vào Nam để chi viện cho miền Nam từ những năm 1980. Về công tác tại Trường Văn hóa Công nông 1, rồi cao đẳng Sư phạm, sau đó là Công nông 3 và THPT Chuyên Bạc Liêu đến tận bây giờ, những lớp học trò được thầy dìu dắt, tận tình dạy bảo không thể nào kể hết. Trong số đó, nhiều người đang là lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của các sở, ban ngành trong và ngoài tỉnh; hơn 20 tiến sĩ, nghiên cứu sinh, thạc sĩ đang công tác, học tập ở nước ngoài. Đó là còn chưa kể số học trò đang là bác sĩ, kỹ sư, cử nhân… đang cống hiến trên nhiều lĩnh vực.

Từ khi bắt đầu vào ngành, thầy đã đặc biệt quan tâm đến công tác chăm bồi, đào tạo đội ngũ học sinh giỏi. Và hầu như năm nào học trò của thầy cũng đều đoạt những giải thưởng cao trong các cuộc thi, hội thi cấp tỉnh, khu vực, quốc gia. Với thầy, người thầy trong bất kỳ thời đại nào cũng phải biết cách vượt qua chính mình, giữ vững bản ngã và hình ảnh đẹp của người thầy dù thế cuộc có vần xoay dời đổi. Và tâm nguyện lớn nhất của thầy hiện tại là làm sao truyền lửa nghề, tâm huyết của thế hệ đi trước cho lớp trẻ kế thừa. Ngày Nhà giáo 20/11 năm nay, thầy chuẩn bị đón một niềm vui lớn với danh hiệu cao quý: Nhà giáo ưu tú.

Năm 1977, thầy Dương Hoài Ngọc (Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh) về nhận nhiệm vụ mới tại Trường Bổ túc Văn hóa Công nông 2 (tỉnh Minh Hải). Sau đó, thầy tiếp tục về dạy Ngữ văn tại Trường Bổ túc Văn hóa cán bộ Minh Hải, rồi Trung tâm Đại học tại chức (nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh). Kể sao cho hết những khó khăn của chàng trai trẻ Long An xa quê, về đất Minh Hải lập nghiệp.

Những khó khăn, thiếu thốn trăm bề những ngày đất nước bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, cuộc sống giáo chức nghèo thời ấy dễ khiến nhiều người chồn chân mỏi gối, nhưng thầy vẫn bền chí kiên gan cống hiến cho sự nghiệp "trồng người". Nhiều lớp cán bộ chủ chốt đang công tác trong và ngoài tỉnh từng được thầy dìu dắt, ân cần chỉ bảo. Trong ký ức thầy vẫn không thể quên những học trò lớn tuổi hơn cả thầy, thầy trao họ kiến thức nhưng lại học từ họ thực tiễn, kinh nghiệm.

Giờ đây, dù đã nghỉ hưu nhưng thầy vẫn tiếp tục cống hiến cho giáo dục, cho công tác khuyến học - khuyến tài. Nhiều học trò, giáo chức nghèo được thầy làm cầu nối đã vun đắp được những ước mơ cao rộng của đời mình.

Từng là giáo viên, rồi sau đó là hiệu phó, hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long), cô Lưu Thị Ngọc Sương (Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phước Long) rất hiểu và cảm thông sâu sắc cho hoàn cảnh của học trò nghèo. Nhiều lớp học trò đầu tay được cô tận tình dìu dắt giờ đã thành nhân, có chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Và rất nhiều trong số đó là những học trò nghèo đã từng được cô hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần.

Kể sao cho hết những bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương mà cô được nhận trong suốt cả cuộc đời thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, vậy mà cô vẫn khiêm tốn cho rằng bản thân mình có cống hiến được là bao so với bạn bè, đồng nghiệp!

Dùng cả tuổi xuân để lái con thuyền đưa học trò đến bến bờ tri thức, vậy mà khi về hưu cô vẫn miệt mài làm nhịp cầu nối để học trò nghèo được tiếp sức, đỡ đầu. Và hiện nay, Hội Khuyến học huyện Phước Long dưới sự giúp sức của cô đang là 1 trong 3 đơn vị dẫn đầu của tỉnh về công tác khuyến học - khuyến tài…

Và Bạc Liêu vẫn còn rất nhiều, rất nhiều hình ảnh ngời sáng như thế về người thầy, "nghề giáo - nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý" như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói!

KIM TRÚC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.