Giáo dục - Học Đường

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

Thứ Hai, 09/10/2017 | 16:20

Bài 1: Chỉ thị đi vào cuộc sống

Bài cuối: Xã hội học tập dần hình thành

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, nhiệt tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (KH, KT, XDXHHT) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều khởi sắc và đạt được những thành tựu quan trọng. Một xã hội học tập thực chất, đúng nghĩa đang dần hình thành trên vùng đất vốn giàu truyền thống hiếu học từ bao đời nay…

Hội Khuyến học tỉnh phối hợp với Tập đoàn SY Panel (Hàn Quốc) tặng học bổng cho học sinh nghèo đầu năm học 2017 - 2018. Ảnh: Đ.K.C

Những con số ấn tượng…

Về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD, XMC), năm 2015, Bạc Liêu được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia về PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đến năm 2016, tỉnh tiếp tục đạt chuẩn với tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi là 11.213/11.227 trẻ, đạt 99,88%. Đối với PCGD tiểu học, năm 2016 toàn tỉnh đã huy động 11.600/11.660 trẻ 6 tuổi vào lớp 1 (đạt 99,49%); trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học là 12.045/13.208 trẻ (đạt 91,19%); trẻ từ 11 - 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học là 49.613/52.759 trẻ (đạt 94,03%). Theo đó, có 11/64 xã, phường, thị trấn; 4/7 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2. Có 53/64 xã, phường, thị trấn; 3/7 huyện, thị, thành phố đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3. Những con số ấn tượng này đã giúp tỉnh nhà tiếp tục đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2.

Về công tác PCGD THCS, năm 2016, toàn tỉnh huy động trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 là 12.123/13.208 trẻ (đạt 91,78%); thanh thiếu niên có độ tuổi từ 15 - 18 tốt nghiệp THCS 35.462/41.268 người. Toàn tỉnh có 35/64 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1; 29/64 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2; 7/7 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1. Theo đó, Bạc Liêu tiếp tục đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1.

Về công tác XMC, năm 2016, số người trong độ tuổi từ 15 - 35 biết chữ của toàn tỉnh (hoàn thành giai đoạn I chương trình XMC và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ hoặc hoàn thành lớp 3 chương trình giáo dục tiểu học trở lên) là 273.463/278.828 người. Số người trong độ tuổi từ 15 - 60 biết chữ (hoàn thành giai đoạn II chương trình XMC và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ hoặc học xong lớp 5 chương trình giáo dục tiểu học trở lên) là 566.073/693.347 người (đạt tỷ lệ 81,64%, tăng 4,75% so với năm 2007 (520.041/676.268 người). Theo đó, toàn tỉnh có 42/64 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn XMC mức độ 1; 22/64 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn XMC mức độ 2 và 7/7 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Đến năm 2016, Bạc Liêu tiếp tục đạt chuẩn XMC.

Bên cạnh việc nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về PCGD, XMC, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Hầu hết đội ngũ cán bộ sau khi được đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ được nâng lên, ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị. Cụ thể, số cán bộ, công chức, viên chức được học tập, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đạt 89,2%, tăng 22,2% so với năm 2007. Số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước có trình độ ngoại ngữ bậc 2 là 20% và bậc 3 là 5%.

Bên cạnh đó, có 100% cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định (năm 2007 đạt 70%). Cán bộ, công chức giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định đạt 95% (năm 2007 đạt 85%). Có 95% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý điều hành theo vị trí công việc (năm 2007 đạt 75%). Cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định đạt 80% (năm 2007 đạt 65%). Số lao động nông thôn tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ sản xuất tại các trung tâm học tập cộng đồng đạt 50%. Công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có trình độ học vấn THPT hoặc tương đương đạt 80%; tỷ lệ công nhân lao động có tay nghề cao ở các ngành kinh tế mũi nhọn, công nhân qua đào tạo nghề đạt 85%...

Những “viên gạch hồng” góp phần hình thành XHHT

Mới đây, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức đại hội biểu dương “Gia đình học tập - Dòng họ học tập - Cộng đồng học tập và Đơn vị học tập tiêu biểu giai đoạn 2015 - 2017” để điển hình, nhân rộng những tấm gương trong công tác KH, KT, XDXHHT. Trong 192 gương sáng điển hình về các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện đầy cảm động về việc quyết lòng đầu tư cho sự học đến cùng!

Chị Nguyễn Thị Vân (ấp Quốc Kỷ, xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi) tâm sự: “Tuy vợ chồng tôi chỉ là công chức bình thường, cuộc sống với nhiều khó khăn nhưng vẫn quyết chí cho các con ăn học thành tài. Ngày các con vào cấp 3 cũng là lúc tôi phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư quái ác. Dù năm trên giường bệnh, nhưng tôi vẫn cố gắng động viên các con nỗ lực học tập”. Giờ đây, hai con chị một đang là Trung đội trưởng Trung đội 5 (Sư đoàn BB330, Quân khu 9); một đang công tác tại Đội Tham mưu Công an huyện Hòa Bình với bề dày thành tích đáng nể trong học tập lẫn công tác. Chồng chị hiện là Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Vĩnh Lợi và cả 4 người đều là những đảng viên ưu tú, hết lòng phụng sự cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và góp sức hình thành nên những hạt nhân nòng cốt trong công tác KH, KT, XDXHHT từ cơ sở.

Nói đến phong trào KH, KT, XDXHHT không thể không nhắc đến dòng họ học tập họ Trần (do ông Trần Minh Ký làm đại diện, phường 7, TP. Bạc Liêu). Dòng họ này “nổi tiếng” với bề dày thành tích học tập đáng nể. Trong đó có 1 tiến sĩ (nhà giáo ưu tú Trần Công Chánh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu); 5 thạc sĩ; 2 bác sĩ; 15 cử nhân (hiện 3 cử nhân đang du học ở Anh và Phần Lan); 1 dược sĩ và 8 tú tài. Từ hai nguồn quỹ “Hương hỏa” và “Khuyến học” do hội đồng gia tộc đóng góp, công tác KH, KT của dòng họ Trần được quan tâm đúng mức. Theo đó, nguồn quỹ này sẽ được chi thường xuyên để hỗ trợ các cháu gặp khó khăn về chi phí, đồ dùng học tập; khen thưởng trong học kỳ và cuối niên học cho những cá nhân có thành tích xuất sắc. Riêng những thành viên đậu cao vào đại học, hội đồng gia tộc sẽ xuất quỹ tổ chức liên hoan để động viên, khích lệ tinh thần.

Tính đến nay, mạng lưới khuyến học đã phủ khắp toàn tỉnh. Theo đó, hiện có 1.388 chi hội khuyến học; 64/64 Hội Khuyến học ở các xã, phường, thị trấn với 236.419 hội viên; 64/64 trung tâm học tập cộng đồng (trong đó có 37,5% trung tâm hoạt động hiệu quả). Có 99.315 gia đình học tập; 983 dòng họ học tập; 375 đơn vị học tập; 322 cộng đồng học tập ở khóm, ấp tạo tiền đề, nền tảng vững chắc cho việc XDXHHT theo tinh thần Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị.

Vấn đề xã hội hóa công tác KH, KT được tỉnh Bạc Liêu đặc biệt chú trọng. Kể từ ngày thành lập đến nay, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã vận động quỹ khuyến học, xã hội hóa giáo dục và nuôi heo đất tiết kiệm khuyến học với số tiền trên 378 tỷ đồng. Trong đó, đã hỗ trợ 46.599 suất học bổng với số tiền gần 29 tỷ đồng.

Đây là những con số vô cùng ấn tượng, cho thấy sự quyết liệt vào cuộc của toàn hệ thống chính trị trong việc hình thành nên một xã hội học tập thực chất, đúng nghĩa!

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.