Giáo dục - Học Đường

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số: Việc làm cấp bách!

Thứ Tư, 06/09/2017 | 16:43
TP. Bạc Liêu có khá đông người dân tộc Khmer sống cộng cư cùng người Kinh, người Hoa. Điều này đã tạo ra sự phong phú trong đời sống văn hóa, phong tục của cả cộng đồng, song cũng gặp một số khó khăn, mà cụ thể là sự hạn chế về tiếng Việt của trẻ em dân tộc Khmer ở độ tuổi mầm non (MN) và tiểu học (TH). Thế nên, Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh (HS) TH vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” của TP. Bạc Liêu sẽ tạo cơ hội để các em có những kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt, hoàn thành tốt chương trình giáo dục MN, TH.
Giờ học Tiếng Việt của học sinh DTTS Trường tiểu học Thuận Hòa (nay là Nguyễn Du, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu). Ảnh: Đ.K.C
Thực trạng
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh (tính đến ngày 31/12/2015), toàn thành phố có 16.967 người dân tộc Khmer, chủ yếu tập trung đông ở phường 1, xã Hiệp Thành, xã Vĩnh Trạch và xã Vĩnh Trạch Đông.
Cụ thể, đối với bậc MN (năm học 2015 - 2016), 18 trường có trẻ dân tộc theo học, được phân bổ ở 102 nhóm lớp, với gần 800 trẻ. Theo đó, khả năng sử dụng tiếng Việt của trẻ có sự khác nhau theo độ tuổi. Với các bé độ tuổi mầm, do việc tiếp xúc với người xung quanh còn hạn chế, vốn từ ít nên khả năng sử dụng tiếng Việt chỉ ở mức độ 50%. Riêng trẻ mẫu giáo, nhất là trẻ 5 tuổi và các trẻ theo học liên tục từ nhà trẻ đến mẫu giáo, khả năng sử dụng tiếng Việt đạt từ 80 - 90%. Bên cạnh đó, vẫn còn khoảng 16% trẻ chưa mạnh dạn, tự tin, ngại giao tiếp với người lạ bằng tiếng Việt, cũng như phát âm chưa lưu loát, rõ từ, nói câu thiếu chủ - vị ngữ hoặc chưa hiểu nghĩa một số từ…
Hiện bậc MN có 41 cán bộ quản lý, 306 giáo viên dạy trẻ dân tộc đạt chuẩn về trình độ chuyên môn và có khả năng giao tiếp với trẻ bằng tiếng dân tộc (do đa phần là người địa phương). Tính đến tháng 5/2017, số phòng học dành cho bậc MN là 136 phòng, trong đó có 102 phòng kiên cố, về cơ bản thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt là con em đồng bào DTTS.
Với bậc TH, có 2.941 HS DTTS, phân bổ ở 348 lớp. Và hiện có 103/566 giáo viên TH trực tiếp giảng dạy ở vùng có đông đồng bào dân tộc. Theo thống kê sơ bộ, có 298 phòng học dành cho bậc TH, trong đó 229 phòng kiên cố nhưng so với quy mô nhóm, lớp hiện nay thì giáo dục TH vẫn thiếu phòng để đảm bảo cho 100% lớp học 2 buổi/ngày trong năm học 2017 - 2018.
Bên cạnh những mặt tích cực thì thời gian qua việc tổ chức hoạt động tăng cường tiếng Việt vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, một số đơn vị chưa thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi để trẻ có cơ hội giao lưu. Trong học tập, một bộ phận HS tiếp thu kiến thức còn chậm ở lớp 1 đầu cấp như: TH Thuận Hòa 2 (nay là TH Ngô Quyền), TH Thuận Hòa 4 (TH Lê Lợi), TH Thuận Hòa 1 (TH Trần Hưng Đạo - khu Giáp Nước), TH Thuận Hòa (TH Nguyễn Du).
Mục tiêu phấn đấu
Hướng đến mục tiêu tăng cường tiếng Việt cho trẻ MN, HS TH DTTS trên địa bàn, theo đề án, TP. Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ huy động ít nhất 30% trẻ em dân tộc Khmer trong độ tuổi nhà trẻ; 90% trẻ mẫu giáo ra lớp; 100% trẻ trong các cơ sở giáo dục MN được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Đến năm 2025, sẽ huy động ít nhất 50% trẻ em dân tộc Khmer trong độ tuổi nhà trẻ; 95% trẻ mẫu giáo ra lớp; trong đó, 100% trẻ trong các cơ sở giáo dục MN được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi.
Hàng năm, 100% HS TH DTTS được tăng cường tiếng Việt; 100% cán bộ quản lý, giáo viên MN, TH dạy vùng DTTS được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cũng như kỹ năng, phương pháp tổ chức hoạt động tăng cường; 100% cơ sở giáo dục MN, TH trong đề án được bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy và học… Dự kiến, thành phố sẽ đầu tư hơn 4 tỷ đồng để hoàn thiện đề án.
Tuy nhiên, để đề án đạt hiệu quả, yếu tố quan trọng nhất vẫn là sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm sâu sát và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đơn vị, đoàn thể… toàn thành phố.
Bên cạnh đó, TP. Bạc Liêu  đặc biệt chú trọng đến công tác huy động trẻ dân tộc Khmer ra lớp với nhiều biện pháp sát hợp với tình hình thực tế; chủ động xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS ở các cơ sở giáo dục từ sớm; chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong các trường MN, TH có trẻ DTTS; xây dựng và thực hiện một số chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên tham gia trực tiếp đề án để tạo động lực, khuyến khích những người tâm huyết với công tác này…
Kim Trúc
Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.