Giáo dục - Học Đường

Thí sinh cần chuẩn bị gì cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018?

Thứ Sáu, 13/04/2018 | 15:41

Không khí của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đang “nóng” lên từng ngày. Thời điểm này, thầy và trò các trường đang nỗ lực chạy đua với thời gian để kịp tiến độ hoàn tất kế hoạch ôn luyện, chuẩn bị những điều kiện thật tốt để vượt qua kỳ thi cam go này! Vẫn biết các thí sinh (TS) đang phải “căng não” để hoàn thành phiếu đăng ký dự thi, nhưng các bạn cũng nên dành chút thời gian nghe những “hiến kế” của người đi trước nhằm chuẩn bị cho mình hành trang tốt trước khi kỳ thi diễn ra!

Học sinh khối 12, Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Phước Long) ôn luyện cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh: Đ.K.C

Hành trang kiến thức và cập nhật nhanh những thay đổi mới

Kiến thức là hành trang cần thiết, giúp TS dễ dàng vượt qua kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Vững kiến thức thì xem như bạn đã nắm chắc 90% thành công. Tuy nhiên, hành trang này không phải dễ dàng có được, mà đó là quá trình tích lũy một cách lâu dài, bền bỉ suốt 12 năm đèn sách.

Năm 2018 là năm thứ 2 TS bước vào kỳ thi đổi mới, chỉ còn môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn khác đều thi theo hình thức trắc nghiệm. Đặc biệt trong kỳ thi năm nay,  ngoài kiến thức học lớp 12 thì kiến thức lớp 11 cũng sẽ xuất hiện trong đề thi. Theo đó, lớp 12 chiếm 70%, lớp 11 chiếm 30%. Khối lượng kiến thức ôn tập nhiều gấp đôi nhưng thời gian ôn thi vẫn vậy, nên TS cần có phương pháp ôn tập một cách hiệu quả, phù hợp với bản thân. Với những thay đổi liên tục như vậy, đòi hỏi TS cần thường xuyên cập nhật thông tin để có thể chuẩn bị thật tốt, nhanh chóng thích nghi với mọi sự thay đổi.

Tuy nhiên, các bạn cũng đừng vì thế mà tạo áp lực cho mình, bởi trong quá trình ôn tập, hệ thống hóa kiến thức đều có sự hỗ trợ đặc biệt của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên từng phân môn. Những TS đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 cũng mách nhỏ một số “bí kíp bỏ túi” để các bạn dễ dàng hơn trong việc ôn luyện. Đó là, trước kỳ thi khoảng 2 tháng, TS nên đặt mục tiêu giải 1 đề/ngày/1 - 2 môn (tùy vào số lượng môn mà bạn chọn thi). Lưu ý, các bạn nên sưu tầm đề thi từ 5 - 7 năm trở lại đây để nắm cấu trúc, cũng như các dạng đề hay ra. Sau đó, trình bày bài giải giống như một bài thi thật sự và canh thời gian như thi thật. Sau khi giải xong, đối chiếu với đáp án chính thức để tìm lỗi sai, hoặc có thể nhờ thầy cô chấm, hay so sánh bài giải với bạn bè cùng nhóm ôn tập. Cách làm này sẽ giúp TS dễ dàng vượt qua và chọn đáp án chính xác nhất cho các bài thi trắc nghiệm. Không chỉ vậy, các bạn có thể nhờ thầy cô chọn những địa chỉ tin cậy trên mạng để tải những bộ đề thi trắc nghiệm khách quan về để vừa ôn tập, vừa thực hành.

Trước kỳ thi 1 tháng, TS nên dành khoảng 10 - 15 ngày để giải các dạng đề mà bản thân hay mắc lỗi. Sau khi làm xong, hãy đối chiếu với bài làm trước đây của mình, kiểm tra kỹ xem mình có sai, có “bí” đúng chỗ đã từng sai, từng “bí” hay không? Lúc này, bạn sẽ tự biết bản thân mình nên đào sâu, lấp đầy những mảng kiến thức nào.

Chuẩn bị tốt sức khỏe, tâm lý

Trước kỳ thi khoảng 1 tuần, rất nhiều TS cho rằng đây là khoảng thời gian cần tập trung để nghỉ ngơi, dưỡng sức, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho những ngày thi đầy cam go, thử thách. Nhưng đó là cách nghĩ của những bạn đã có thời gian dài ôn luyện chăm chỉ. Còn với nhiều TS vì không bố trí được thời gian ôn tập hợp lý hoặc bận mải mê với các cuộc vui, thì đây lại là giai đoạn tăng tốc. Chính vì học không kịp, nên nhiều bạn sẽ đoán đề thi. Các bạn sẽ xem xét các năm trước đề cho những gì, rồi dùng phương án loại trừ để học. Tuy nhiên, điều này là vô cùng nguy hiểm. Bởi lẽ, hình thức thi được thay đổi là do Bộ GD-ĐT muốn các bạn nắm bắt được kiến thức một cách toàn diện. Chính vì thế tất cả các kiến thức bạn đều phải ôn hết, ôn chắc và bỏ ngay ý định đoán đề.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho bản thân sức khỏe dẻo dai, tinh thần thoải mái, tâm lý ổn định trước khi bước vào kỳ thi, không chỉ bản thân mỗi TS cần xây dựng thời gian biểu ôn tập hợp lý, khoa học, tích cực, mà các thành viên trong gia đình, đặc biệt là phụ huynh cũng cần hỗ trợ, quan tâm đặc biệt đến chế độ ăn uống, sinh hoạt của TS. Đồng thời, phụ huynh cũng cần theo sát giờ giấc học tập, thư giãn để kịp thời nhắc nhở, động viên, cũng như trấn an mỗi khi con em mình vấp phải khó khăn, hoặc stress vì quá tải trong ôn tập.

Nếu quá mệt mỏi, căng thẳng thì các bạn có thể dành những ngày cuối tuần để họp mặt bạn bè, chia sẻ những khó khăn trong học tập, ôn luyện, cùng nhau tháo gỡ vướng mắc để tinh thần thoải mái, tâm lý ổn định. Và nếu có kế hoạch ôn tập tốt thì tuần cuối cùng trước khi thi, các bạn có thể tổ chức picnic, hoặc về thăm quê để tìm cảm giác thư thái, yên bình trước khi bước vào “trận đánh lớn”. Chúc các bạn thành công!

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.