Giáo dục - Học Đường

Tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021: Tiếp bước trường thi

Thứ Sáu, 26/03/2021 | 17:09

Làm sao để chọn được ngành nghề, trường học phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu nguồn nhân lực tương lai là băn khoăn của hầu hết thí sinh (TS) trước lối rẽ vào đời. Và băn khoăn ấy phần nào được giải tỏa khi các chuyên gia quản lý giáo dục, thầy cô các trường đại học trực tiếp giải đáp trong chương trình tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021 với chủ đề “Tiếp bước trường thi”, do Tạp chí Giáo dục TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Đài PT-TH Bạc Liêu, Sở GD-KH&CN thực hiện.

Học sinh Trường THPT Chuyên Bạc Liêu đặt câu hỏi trực tiếp cho Hội đồng tư vấn tại chương trình “Tiếp bước trường thi”. Ảnh: Đ.K.C

Cân nhắc kỹ để lựa chọn đúng

MC của chương trình đã thực hiện khảo sát nhanh hơn 700 học sinh THPT tham gia chương trình “Tiếp bước trường thi” thì chỉ có khoảng 40% chọn được trường yêu thích, 60% chọn được ngành yêu thích, nhưng có đến hơn 90% mong muốn mức lương khởi điểm sau khi ra trường từ hơn 10 triệu đồng/tháng trở lên và trên 50 triệu đồng/tháng sau 5 năm làm việc. Đây là một nghịch lý luôn tồn tại trước mỗi mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Ai cũng mong muốn bản thân có được một công việc tốt, thu nhập cao sau khi ra trường nhưng khi được hỏi đã “ngắm nghía” được trường, ngành phù hợp nào chưa thì vẫn cười trừ cho qua chuyện. Thậm chí có em dù đã chọn được ngành yêu thích nhưng vẫn chưa thể hình dung được khi ra trường sẽ làm gì, công tác ở đâu nên không dám mạo hiểm và chọn giải pháp an toàn là theo ngành học mà gia đình định hướng. Đáng buồn hơn là vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh khối 12 tỏ ra hời hợt với tương lai của chính mình khi luôn mơ hồ với mọi thông tin liên quan đến hướng nghiệp, tuyển sinh mặc dù thời điểm chọn trường, ngành để đăng ký đã cận kề…

Trước thực tế ấy, đã có rất nhiều câu hỏi được TS đặt ra cho các chuyên gia quản lý giáo dục, thầy cô của các trường đại học về việc làm cách nào để chọn ngành, chọn trường, chọn tổ hợp môn thi phù hợp; cách để xác định năng lực bản thân; kinh nghiệm làm bài thi để đạt kết quả cao; “bí quyết” để cập nhật những thông tin mới về tuyển dụng, cơ hội việc làm, xu hướng ngành, nghề thu hút nhân lực trong tương lai… Rất nhiều học sinh như em Lê Nguyễn Phước Lộc - Trường THPT Chuyên Bạc Liêu đặc biệt quan tâm đến những ngành học mới, ngành “hot” như: Logistics, Digital Marketing… nhưng không biết học phí, chương trình học và cơ hội việc làm sau khi ra trường như thế nào, thu nhập ra sao?

Theo các chuyên gia tư vấn, hiện nay các trường được tự chủ trong công tác tuyển sinh, trong đó ngày càng nhiều trường thực hiện đa dạng phương thức xét tuyển để tuyển được TS phù hợp. Vì vậy, trước khi quyết định đăng ký vào một trường hay một ngành, TS cần tìm hiểu tổng quan thông tin về trường, ngành mình định đăng ký như: môi trường học tập, chương trình đào tạo, học phí… có phù hợp với điều kiện, từ đó có thêm cơ sở chọn ngành, chọn trường. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là phải xác định được ngành mình yêu thích và xem xét năng lực bản thân có phù hợp với ngành đó hay không.

Những điểm cần lưu ý trong tuyển sinh

Chia sẻ trong chương trình “Tiếp bước trường thi”, TS. Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, công tác tổ chức thi không thay đổi (Sở GD-ĐT chủ trì các cụm thi ở các địa phương), dự kiến học sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp từ ngày 24/4 - 10/5/2021; kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra trong 2 ngày (7 và 8/7/2021). Đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu kiến thức lớp 12”.

TS. Nghĩa cũng cho biết thêm, học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021 không chỉ chịu tác động bởi tình hình dịch bệnh năm nay mà còn chịu ảnh hưởng từ năm học lớp 11. Bởi vậy, Bộ GD-ĐT yêu cầu các đơn vị chuyên môn khi xây dựng nội dung đề thi phải gắn sát với hoạt động dạy và học trong điều kiện dịch bệnh, đồng thời gắn với chuẩn đầu ra chương trình phổ thông. Dự kiến, cuối tháng 3, Bộ GD-ĐT sẽ công bố đề thi minh họa cho kỳ thi. Công thức tính điểm xét tốt nghiệp THPT năm 2021 vẫn như năm trước, nghĩa là điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm 70% và điểm trung bình lớp 12 chiếm 30%.

Về xét tuyển vào các trường đại học, ngoài phương thức tuyển thẳng của Bộ GD-ĐT dành cho học sinh đoạt giải trong các kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế… còn có 3 phương thức khác gồm: xét tuyển học bạ THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT và phương thức dựa trên kết quả kỳ thi riêng của mỗi trường. Trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là kỳ thi quan trọng nhất, bởi có đến 70 trường đại học, cao đẳng dùng kết quả từ kỳ thi này để xét tuyển. Không chỉ vậy, dự kiến năm nay TS còn được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần, tạo điều kiện cho TS có thêm cơ hội điều chỉnh quyết định. Đồng thời, chính sách tuyển sinh cũng bắt nhịp cùng quy trình tuyển sinh của cả nước, tạo môi trường thuận lợi, hạn chế áp lực cho TS…

Tin rằng những thông tin bổ ích, sát sườn từ chương trình tư vấn sẽ phần nào “cởi bỏ” những gút mắc, giúp TS thêm tự tin, sáng suốt để mạnh dạn đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất cho tương lai của chính mình trước ngưỡng cửa vào đời. Chúc các bạn thành công!

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.