Giáo dục - Học Đường

Ước muốn của thí sinh trước lối rẽ vào đời

Thứ Sáu, 02/04/2021 | 16:24

Còn khoảng một tháng nữa là học sinh khối 12 bắt đầu đặt bút đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng, chính thức đưa ra quyết định quan trọng lựa chọn cho lối rẽ tương lai. Đây là thời điểm cực kỳ nhạy cảm mà các thí sinh cần lắm sự đồng hành, sẻ chia, thấu hiểu và những lời tư vấn mang tính “khai sáng” để các em thêm tự tin, sáng suốt cho những lựa chọn của riêng mình.

ĐƯỢC TIẾP CẬN THÔNG TIN TƯ VẤN CHÍNH THỐNG

Bên cạnh việc tư vấn hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh THPT từ lớp 10, các cơ sở giáo dục còn chú trọng hoàn thiện, “nâng cấp” các ban, tổ tư vấn hướng nghiệp của đơn vị, trong đó đặc biệt phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, năng lực, sở trường của từng học sinh để có hướng tư vấn, hướng nghiệp kịp thời. Nhờ vậy, học sinh khối 12 các trường luôn trong tư thế chủ động lựa chọn ngành nghề, trường theo học sau khi vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Em Liêu Thị Hương Linh (lớp 12V, Trường THPT Chuyên Bạc Liêu) chia sẻ: “Ngoài các buổi ngoại khóa tư vấn trực tiếp, hoặc lồng ghép vào các tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, chúng em còn được nhà trường tạo điều kiện để gặp gỡ, trao đổi những vướng mắc về ngành nghề, về mong muốn tương lai với các chuyên gia giáo dục, giảng viên các trường đại học thông qua các chương trình như: Tiếp bước trường thi, tư vấn hướng nghiệp. Không chỉ vậy, mọi thông tin chính thống, mới nhất về kỳ thi, chỉ tiêu tuyển sinh… của các trường đại học, cao đẳng còn được nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên các bộ môn cập nhật thường xuyên, liên tục để hỗ trợ chúng em một cách kịp thời”.

Đâu chỉ có vậy, thấu hiểu được những băn khoăn, lo lắng của học sinh trước việc lựa chọn cho tương lai, giáo viên chủ nhiệm của các trường còn chủ động liên hệ với các cựu học sinh đã đỗ cao vào các trường đại học, cao đẳng; hoặc đang công tác, thành công với ngành nghề đã lựa chọn sau khi ra trường để trực tiếp tư vấn, hỗ trợ học sinh thông qua nhiều kênh kết nối, giúp các em phần nào sở gỡ những vướng mắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Việc làm này khiến các bạn trẻ vô cùng cảm kích và có thêm nhiều động lực để ra sức học tập, ôn luyện, chuẩn bị hành trang cho lối rẽ vào đời.

Học sinh lớp 12A2, Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Phước Long) trong giờ học môn Toán. Ảnh: Đ.K.C

MONG MUỐN SỰ ĐỒNG HÀNH, SẺ CHIA

Trong rất nhiều những sẻ chia của thí sinh trước thời khắc lựa chọn nghề nghiệp của tương lai, chúng tôi cảm thấy băn khoăn khi có không ít em vấp phải sự phản đối của gia đình khi nêu nguyện vọng về dự định nghề nghiệp. Có em muốn trở thành cô giáo mầm non nhưng gia đình lo ngại sẽ thất nghiệp khi ra trường nên bàn ra; có em muốn học kế toán, muốn theo ngành Thủy sản nhưng gia đình cứ bảo người ta học đầy ngoài ấy; em thì muốn đeo đuổi nghề nghiệp đúng sở thích nhưng cha mẹ cứ “ca cổ” bên tai phải nối nghiệp truyền thống gia đình và nếu không theo ý thì sẽ “cắt viện trợ”, tự lực cánh sinh…

Nếu như một số phụ huynh áp đặt, can thiệp sâu vào việc lựa chọn ngành nghề của con thì cũng có không ít người phó mặc hết cho con và nhà trường trong việc lựa chọn. Sự “vô tâm” này khiến các em cảm thấy bơ vơ, tủi thân khi không được chính gia đình, cha mẹ mình đồng hành trong thời khắc quan trọng nhất.

“Năm nay em dự định thi ngành Luật Dân sự thuộc Học viện Tòa án Hà Nội. Ban đầu, cha mẹ em cũng tỏ ra băn khoăn, lo lắng về đầu ra khi nghe em chia sẻ về dự định nghề nghiệp tương lai. Nhưng khi em giải thích cặn kẽ, thuyết phục đủ đường bằng quyết tâm và sự tự tin thì cha mẹ đã đồng tình ủng hộ. Em và rất nhiều bạn khối 12 cùng trường may mắn nhận được sự đồng hành, ủng hộ từ gia đình, nhưng vẫn có không ít bạn vấp phải sự phản đối trước dự định nghề nghiệp. Thế nên, em mong rằng trong thời khắc “nhạy cảm” này, các bậc phụ huynh hãy đặt mình vào vị trí của con, mở lòng mình ra để lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành, giúp chúng em có thêm tự tin, dũng khí để đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất”, em Nguyễn Như Nguyệt (lớp 12C3, Trường THPT Võ Văn Kiệt - huyện Phước Long) bày tỏ.

Và hơn bao giờ hết, các bạn học sinh phải có chính kiến, phải hiểu được năng lực, sở trường của mình ở đâu, thích hợp với những ngành nghề gì, tương lai ngành nghề ấy khi ra trường sẽ ra sao... để thẳng thắn trao đổi, bày tỏ quan điểm của bản thân trong việc thuyết phục gia đình. Muốn mọi người đồng hành, tin tưởng với lựa chọn của bạn thì chính bạn phải tự tin với lựa chọn của chính mình.

KIM TRÚC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.