HOẠT ĐỘNG LÃNH ĐẠO

Triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19

Thứ Sáu, 10/04/2020 | 15:10

Bí thư Tỉnh ủy - Nguyễn Quang Dương tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bạc Liêu.

Sáng 10/4/2020, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19.

Hội nghị được tổ chức với 30 điểm cầu truyền hình tại Trung ương và 63 điểm cầu tại địa phương, tuân thủ nghiêm ngặt quy định về chống dịch… Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bạc Liêu.

(BL-MĐ) Dự hội nghị tại điểm cầu Bạc Liêu có các đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh việc không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay khi sự lây nhiễm trong cộng đồng đang diễn ra ở một số nơi. Cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội. “Việc chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong giai đoạn hiện nay”, Thủ tướng nêu rõ.

Về tác động tới kinh tế - xã hội, dịch COVID-19 đã và đang gây hệ lụy lớn đối với kinh tế toàn cầu. Hầu hết các nước, các đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng rất trầm trọng.

Đối với nước ta, có độ mở nền kinh tế cao, dịch COVID-19 tác động mạnh và sâu rộng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong quý I, GDP của Việt Nam chỉ tăng 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011. Tuy nhiên, đây là mức tăng cao nhất khu vực. Trước hết, các lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải, khách sạn, ăn uống, giải trí bị ảnh hưởng rất nặng nề, tiếp theo là các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và tiêu dùng.

Thủ tướng nêu rõ, những vấn đề như vậy đặt ra cấp bách đối với nước ta, thời gian tới rất hệ trọng, mang tính sống còn với khu vực sản xuất kinh doanh và phần lớn các loại hình doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không có biện pháp duy trì hoạt động kinh tế xã hội bình thường và thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn về kinh tế xã hội, kể cả bất ổn xã hội. Không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ bị âm trong phát triển.

Do đó, Thủ tướng cho biết, hội nghị trực tuyến với  các địa phương này nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh COVID-19; đồng thời nỗ lực vươt khó, vươn lên trong sản xuất và đời sống.

Nhiệm vụ của chúng ta là bảo đảm thực hiện nghiêm túc biện pháp, trước hết không để lây lan, sớm khống chế được dịch bệnh. Không chỉ có vậy, phải làm sao biến nguy thành cơ, sau dịch COVID-19 làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.

Thủ tướng yêu cầu hội nghị cần đưa ra được các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống trong thời gian có dịch, đặc biệt thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch, như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày, phải bật ra, đuổi kịp với thời gian. Sản phẩm của Hội nghị sẽ là một nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trên cả ba lĩnh vực: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là tập trung làm ngay việc cấp bách trong thẩm quyền của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương, những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội thì sẽ báo cáo, xin ý kiến ngay sau hội nghị này. “Chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt khi dịch đã được ngăn chặn thì mới có thể giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống kinh tế - xã hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Định hướng thảo luận tại hội nghị, về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng cho biết, có 2 gói chính sách về tiền tệ và tài khóa. Về gói chính sách tiền tệ (với tổng số 300.000 tỷ đồng), tinh thần là không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay, cả khoản vay hiện có và vay mới.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bạc Liêu. Ảnh: M.Đ

Về chính sách tài khóa, trong điều kiện kinh tế khó khăn, cần tập trung thực hiện hiệu quả kích cầu nội địa thông qua chính sách này. Đây là biện pháp các nước áp dụng rất rộng rãi. Gói giãn, hoãn thuế với tổng số tiền khoảng 185.000 tỷ đồng và 98% số doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Gói chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí được Bộ Tài chính dự kiến ban đầu khoảng 40.000 tỷ đồng.

Về vấn đề chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng yêu cầu, phải thay đổi cách làm, quyết liệt hơn, đó là cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Tinh thần chung là càng khó khăn, chúng ta càng tập trung cải cách, hoàn thiện các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo mọi thuận lợi, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng đề nghị với các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương đề xuất hiến kế cụ thể xem Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần sửa đổi các quy định pháp luật nào, cắt bỏ thủ tục hành chính nào để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh, mạnh, tận dụng cơ hội phục hồi thị trường sau dịch.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.