Khoa học - Công nghệ

Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên

Thứ Hai, 13/11/2017 | 08:07

Với điều kiện sinh thái đặc thù nên hệ sinh thái tự nhiên của Bạc Liêu rất phong phú. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị mang lại từ các tiềm năng, lợi thế này vẫn chưa được khai thác tốt. Do vậy, việc quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và hướng đến phát triển bền vững là việc cần được quan tâm.

Chim giang sen được nuôi bảo tồn tại Vườn chim Bạc Liêu.

Rừng phòng hộ ven biển huyện Đông Hải  chết do người dân nuôi tôm. Ảnh: L.D

Ban hành quy hoạch bảo tồn

Qua thống kê của các nhà khoa học, hệ sinh thái tự nhiên của tỉnh rất đa đạng, phong phú. Bạc Liêu có đến 3 vùng sinh thái đặc thù nên phù hợp cho nhiều loại cây, con sinh trưởng, phát triển tốt. Cùng với đó có nhiều loại cây trồng, thảo dược quý không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn chứa đựng nhiều yếu tố về lịch sử - văn hóa.

Thế nhưng, tiềm năng và các thế mạnh này vẫn chưa được khai thác tốt, làm cho nhiều cây, con bị khai thác một cách vô tội vạ, thậm chí khai thác bằng các hình thức hủy diệt làm cạn kiệt, suy giảm nguồn lợi vốn được xem là thế mạnh cho phát triển du lịch và cả thương mại - dịch vụ. Đơn cử như việc săn bắt chim cò, chồn hương ở các vườn chim, chặt bỏ cây nhãn cổ…

Để giải quyết bất cập này và từng bước khai thác có hiệu quả các cây, con, bảo tồn và phát huy các giá trị mang lại từ hệ sinh thái tự nhiên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1655/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chung là: Bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn các nguồn gien tự nhiên nguy cấp, quý hiếm; các nguồn gien cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao của tỉnh; sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học; duy trì và phát triển các hệ sinh thái nhằm thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, từ nay đến năm 2020 tập trung nâng cao năng lực cán bộ quản lý, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh. Điều tra, lập luận chứng quy hoạch chi tiết cụm nhãn cổ Bạc Liêu. Điều tra đánh giá và đề xuất mô hình bảo tồn các loài động vật, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trên địa bàn tỉnh. Xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học tỉnh.

Định hướng đến năm 2030 là nâng cấp khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) và khu bảo tồn loài và sinh cảnh ấp Canh Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) thành khu bảo tồn cấp quốc gia. Thành lập mới khu bảo tồn loài và sinh cảnh cấp tỉnh là Vườn chim ấp Lập Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải); khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh là rừng ngập mặn ven biển. Hoàn thành quy hoạch hệ sinh thái tự nhiên ven sông (các sông chính trên địa bàn tỉnh); bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên, quản lý và kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai xâm hại…

Gắn bảo tồn với khai thác

Để thực hiện tốt quy hoạch này, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung vào các giải pháp như: lồng ghép các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các ngành; phát triển các khu bảo tồn gắn với các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời gắn kết phát triển du lịch sinh thái, an toàn sinh học vào các đề tài, dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, giáo dục, y tế và phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Tăng cường năng lực, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý trong bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý an toàn sinh học, quản lý sản phẩm biến đổi gien, kiểm định nguồn gien động vật hoang dã nuôi nhốt, nhập nội, tạo các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Kiện toàn hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp với kế hoạch hành động, chiến lược quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học; kết hợp giữa bảo tồn gắn với sinh kế của người dân, nhất là dân cư vùng đệm, nâng cao đời sống cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn đa dạng sinh học.

Song song đó, nghiên cứu khoa học, thu thập nguồn gien, mẫu vật di truyền; thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học các khu bảo tồn, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn cảnh quan và lập báo cáo hiện trạng đa dạng sinh học của các khu bảo tồn; có biện pháp phòng trừ dịch bệnh trong khu bảo tồn. Ứng dụng khoa học - kỹ thuật, khoa học - công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi và lâm nghiệp có liên quan để bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên sinh vật, thích ứng với biến đổi khí hậu trong công tác quản lý các khu bảo tồn, các vườn chim và hành lang đa dạng sinh học. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, đa dạng hóa các hình thức hợp tác về bảo tồn đa dạng sinh học; trao đổi kinh nghiệm từ các chuyên gia, nâng cao năng lực, hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, chuyển giao công nghệ, tư vấn kỹ thuật về đa dạng sinh học…

Thanh Thảo

------------------------------------------

Với tổng vốn đầu tư hơn 25 tỷ đồng và chia thành 2 giai đoạn (giai  đoạn I từ năm 2017 - 2020 là 7 tỷ đồng, giai đoạn II từ năm 2020 - 2030 là 18,5 tỷ đồng), các ngành, địa phương trong tỉnh sẽ thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Điều tra, thống kê, đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; xác định các khu vực trọng điểm về bảo tồn đa dạng sinh học nhằm phát triển bền vững đa dạng sinh học.

- Quy hoạch hệ sinh thái tự nhiên ven sông và quy hoạch 2 khu bảo tồn cấp quốc gia, gồm: Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) và khu bảo tồn loài và sinh cảnh ấp Canh Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải); khu dự trữ thiên nhiên cấp tỉnh: rừng ngập mặn ven biển diện tích 4.494,80ha; khu bảo tồn loài và sinh cảnh cấp tỉnh là Vườn chim ấp Lập Điền (xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải) với diện tích 21ha.

- Khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh: Cụm nhãn cổ Bạc Liêu với 339 cây nhãn cổ gắn với mô hình du lịch trải nghiệm nhà dân, phát triển các dịch vụ văn hóa, ẩm thực Nam bộ.

- Quy hoạch hệ thống vườn thực vật: Vườn sưu tầm cây ngập mặn ở khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vườn chim Bạc Liêu; hệ thống sưu tập cây thuốc gồm các vườn thuốc Nam tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền, các Trung tâm y tế huyện và Trạm y tế cấp xã.

- Quy hoạch bảo tồn các giống cây trồng - vật nuôi có giá trị khoa học, kinh tế của tỉnh. Bảo tồn các loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ gồm: mèo cá, mèo gấm; các loài chim gồm: điên điển, bồ nông chân xám, quắm đen, giang sen, cốc đế…

T.A

(tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.